• Zalo

Sáng tỏ thân thế của ông vua trên dãy Tây Côn Lĩnh

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 08/08/2014 06:04:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Nấm đất dưới thung lũng Ngam Sử Hung là mộ thật của vua Hoàng Vần Thùng.

(VTC News) - Nấm đất dưới thung lũng Ngam Sử Hung là mộ thật của vua Hoàng Vần Thùng.


Kỳ 5 (kỳ cuối): Sự thật về vua Hoàng Vần Thùng

Theo anh Hoàng Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hoàng Su Phì (Hà Giang), sau nhiều năm nghiên cứu về vua Hoàng Vần Thùng, anh đã phát hiện ra nhiều điều thú vị.

Điều thú vị nhất, không chỉ người La Chí coi Hoàng Vần Thùng là ông vua của mình, mà người Dao, cùng người Tày và người Nùng ở một số vùng quanh dãy Tây Côn Lĩnh cũng coi Hoàng Vần Thùng là vua của mình.

Trong một chuyến đi công tác vào bản Tả Chải (xã Túng Sán), nằm trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh, anh Nhân phát hiện người Cờ Lao, dân tộc chỉ có khoảng 2.500 người ở Việt Nam, cũng thờ ông vua Hoàng Vần Thùng.

Giám đốc Trung tâm văn hóa Hoàng Chí Nhân, người nắm khá rõ thông tin về ông vua Hoàng Vần Thùng 

Hiện, ở bản Tả Chải có một ngôi miếu nhỏ, nằm trên mỏm núi cao nhất của bản. Ngôi miếu này thờ vua Hoàng Vần Thùng. Lễ cúng diễn ra từ ngày 1 đến 15/7 âm lịch hàng năm được gọi là Lễ cúng Hoàng Vần Thùng.

Điều thú vị, là người Cờ Lao vẫn nắm rất rõ về vua Hoàng Vần Thùng và câu chuyện họ kể không huyễn hoặc một chút nào. Người Cờ Lao cũng khẳng định, vua Hoàng Vần Thùng là vua của người La Chí, sống ở xã Bản Díu.

Vua Hoàng Vần Thùng cai quản một vùng đất rộng lớn, cả phía bên kia Trung Quốc. Hoàng Vần Thùng chỉ đạo hàng vạn dân binh khai thác mỏ đồng, bán sang Trung Quốc và bán về xuôi cho triều đình.

Rất nhiều mộ Hoàng Vần Thùng trên Tây Côn Lĩnh 

Theo người Cờ Lao, mỏ đồng đó giờ thuộc đất Trung Quốc, tên là Đô Long. Anh Nhân bảo rằng, địa danh Đô Long vẫn còn, hiện nằm phía bên kia xã Bản Máy. Người Trung Quốc vẫn đang khai thác mỏ đồng này.

Không chỉ khai thác đồng, vua Hoàng Vần Thùng còn tổ chức khai thác gỗ ngọc am bán sang Trung Quốc và bán cho triều đình.

Ông Hoàng Ngọc Lâm, 86 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì, cho biết: “Những gò đất ở vùng người La Chí sinh sống có thể là mộ giả của Hoàng Vần Thùng, cũng có thể là gò đất do người La Chí đắp để đánh dấu lãnh thổ.

Tôi nhớ các cụ xưa hay kể, người Tày khi đến ở vùng nào, thường tết cỏ lại để đánh dấu, nên lãnh thổ người Tày rất nhanh chóng mở rộng. Còn người La Chí thì đắp đất thành gò để đánh dấu vùng đất của mình nên lâu hơn.

Nhưng khi tranh chấp, người ta đốt cỏ khô đi, thì chỉ còn là đất của người La Chí. Vậy nên mới có câu, “cỏ Tày, gò La Chí”. Cứ thấy những mô đất tròn cao là biết đó là vùng đất của người La Chí.

Vậy nên, tôi cho rằng, chưa có vị vua nào trên thế gian có nhiều mộ như ngài Hoàng Vần Thùng, hàng ngàn ngôi mộ. Nhưng số mộ này không phải đắp trong một đêm, mà phải khá lâu dài và ít nhiều mang dáng dấp của tập tục truyền thống giữ đất của người La Chí xưa kia”.

Xã Túng Sán nằm ở chân đỉnh Tây Côn Lĩnh, cao trên dưới 2.000m so với mặt nước biển, là vương quốc của gỗ ngọc am. Ngọc am đã bị khai thác tuyệt chủng từ hàng trăm năm trước.


Xưa kia, người Trung Quốc thu mua ngọc am rất nhiều để làm đồ cung đình, đặc biệt là làm áo quan và lấy tinh dầu ướp xác. Ở Việt Nam, tầng lớp vua chúa, nhà giàu cũng ướp xác bằng ngọc am. Các ngôi mộ ướp xác ngọc am thi thoảng vẫn được tìm thấy, dù đã trải mấy trăm năm.

Tôi đã từng chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, đi dọc các con suối chảy trên đỉnh và phát hiện ra rất nhiều gốc, rễ ngọc am trơ dưới lòng suối. Những phần gốc ngọc am này đã bị vùi lấp dưới lòng đất hàng trăm năm trước, giờ mới lộ ra do suối chảy.

Người Cờ Lao cũng kể rằng, vua Hoàng Vần Thùng cực kỳ giàu có, vàng bạc chất đống trong nhà. Trước khi chết, ông ta đã chôn tất cả vàng bạc trong các ngôi mộ và giết luôn cả 4 người con của mình, để không làm lộ chỗ cất kho báu.

Mặc dù vua Hoàng Vần Thùng ác với con cái như vậy, nhưng ông ta lại không hề bóc lột người Cờ Lao. Khai thác ngọc am bán được rất nhiều tiền, ông chia cho người Cờ Lao cùng hưởng. Chính vì lẽ đó, người Cờ Lao tôn ông thành thánh và thờ cúng như ông vua.

Một ngôi mộ giả khổng lồ ở bản Lủng Cẩu 

Anh Nhân cũng khẳng định: “Người Cờ Lao thờ phụng một người mà họ cho là của dân tộc khác là điều rất kỳ lạ. Người đó phải có công rất lớn với người Cờ Lao, thì họ mới làm thế”.

Nếu chuyện ông Hoàng Vần Thùng khai thác ngọc am bán sang Trung Quốc và bán cho triều đình là thật, thì thời gian ông sinh sống mới chỉ cách nay vài trăm năm, xa nhất thì từ thời Hậu Lê, cách nay chưa đến 500 năm, bởi tục ướp xác bằng ngọc am mới có từ thời Hậu Lê ở Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với thông tin người La Chí cung cấp.

Theo chân anh Hoàng Chí Nhân, tôi tìm đến xã Bản Máy, nơi có rất nhiều mộ vua Hoàng Vần Thùng. Riêng xã Bản Máy, phải có đến hàng ngàn ngôi mộ giả. Mộ vua nằm trong vườn nhà dân, trên rừng, trên vách đá, thậm chí vô số mộ nằm ngay bên đường đi, hoặc bị con đường mới mở cắt mất một nửa.

Xã Bản Máy có 60% người La Chí, còn lại là người Nùng và người Tày. Người La Chí coi Hoàng Vần Thùng là ông vua, còn người Tày và người Nùng ở đây thì coi là ông tướng nổi loạn, cai quản vùng đất, giống như vua Mèo ở Đồng Văn.

Ngôi mộ giả rất lớn ở Bản Díu 

Ông Vương Văn Bình, Phó Chủ tịch xã Bản Máy cho biết, người già ở Bản Máy vẫn nắm rất rõ về ông Hoàng Vần Thùng và kể chuyện cho con cháu nghe trong những dịp lễ, tết, hội hè.

Điều đặc biệt, là người dân ở Bản Máy đều khẳng định, vua Hoàng Vần Thùng chết ở Bản Máy, chứ không phải Bản Díu hoặc Bản Phùng.

Phó chủ tịch Bình dẫn chúng tôi đến một thung lũng nhỏ ở bản Mã Tẻng và bảo rằng nó có tên Ngam Sử Hung. Trong tiếng La Chí, Ngam Sử Hung có nghĩa là thung lũng vua.

Ở thung lũng này có một cái khe rất lạ, rõ ràng là dấu vết đào, nhưng không ai dám đi qua. Người La Chí, Tày, Nùng ở Bản Máy tin rằng, vua Hoàng Vần Thùng ngự ở cái khe đó, nên không ai dám vào.

Cụ già Thèn Đức Lâm kể rằng, mấy trăm năm trước, triều đình cử một vị thủ lĩnh lên cai quản vùng Tây Côn Lĩnh này. Tên ông là Hoàng Vần Thùng. Ngày đó, đường sá khó khăn, đi lại vất vả, triều đình không cai quản được, nên chỉ nắm qua các thổ ti.

Cái khe ở bản Mã Tẻng, nơi không ai dám vào, bởi người La Chí tin đó là nơi vua Hoàng Vần Thùng chết 

Các thổ ti có nhiệm vụ nộp thuế cho triều đình, còn họ thu thuế của dân thế nào thì triều đình không can thiệp. Hoàng Vần Thùng quản lý vùng đất rộng lớn, nên rất giàu có, thịnh vượng.

Hoàng Vần Thùng có tư tưởng ly khai, nên đã cắm cờ, tập hợp dân binh, rèn vũ khí, lập vương quốc riêng.

Ngày đó, dưới Thăng Long (một số cụ già lại nói dưới huyện), nhìn thấy đám mây hình lá cờ ở Tây Côn Lĩnh, biết chuyện nổi loạn, nên báo về triều đình. Triều đình đã đem quân lên dẹp loạn.

Đánh không lại quân triều đình, nên Hoàng Vần Thùng trốn trong một cái hầm mà quân của ông đã đào sẵn, ở bản Mã Tẻng, chỗ thung lũng Ngam Sử Hung.

Quân triều đình biết chỗ trốn, đã xẻ núi đào đường vào hầm, nhưng cứ đào được một đoạn núi lại lở, không đào sâu thêm được.

Một đêm, một cặp vợ chồng đi lấy củ nâu nhuộm vải, anh chồng nói với vợ: “Nếu quân lính mà lấy 7 cái đinh đồng, 3 cái đinh sắt, tẩm với kinh nguyệt của phụ nữ, cùng phân gà, phân chó, đóng chỗ cửa hầm thì ông Hoàng Vần Thùng chết ngay”.

Quân lính vô tình nghe trộm được câu chuyện của cặp vợ chồng nọ, đã làm theo. Sau khi đóng đinh, không thấy động tĩnh gì nữa. Sáng hôm sau, hàng ngàn ngôi mộ mọc lên khắp vùng.

Theo cụ Thèn Đức Lâm, dấu vết cái khe, chính là dấu vết đào bới của lính triều đình. Tuy vậy, xác vua Hoàng Vần Thùng không nằm trong hầm, mà đã được người dân đưa ra chôn phía ngoài.

Người dân xã Bản Máy tin rằng đây là ngôi mộ thật của Hoàng Vần Thùng 

Cụ Lâm dẫn chúng tôi đến mô đất lùm lùm như nấm mộ cách cái khe khoảng 100m. Ông khẳng định, đây chính là mộ thật của vua Hoàng Vần Thùng. Những người già ở Bản Máy đều biết đây chính là mộ thật của ông, nhưng không ai dám động vào.

Theo Phó chủ tịch Vương Văn Bình, thi thoảng, người Choang bên Trung Quốc cũng trốn sang đây và thắp hương trên ngôi mộ này. Người Choang ở bên kia biên giới cũng nhận Hoàng Vần Thùng là vị vua của mình và họ cũng nói rằng, bên đó toàn là mộ giả.

Theo sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, Hoàng Vần Thùng (hay còn gọi là Hoàng Văn Đồng; Vần nghĩa là Văn, Thùng tức là Thống hoặc Đồng, nghĩa là đồng nhất, thống nhất) là nhân vật có thật trong lịch sử cuối thời Hậu Lê.

Tại cuốn 2 và cuốn 8 sách Kiến văn tiểu lục có ghi rõ: Hoàng Văn Đồng là phó tướng của Gia quốc công Vũ Văn Mật (bên Lào Cai), hiện đang được thờ ở Bắc Hà, tại đền Trung Đô.

Vào cuối thời Lê, tình hình xã hội loạn lạc, có 2 anh em nhà họ Vũ là Vũ Văn Uyên (còn gọi là Chúa Bầu) và Vũ Văn Mật, gốc người Hải Dương. Hai ông có công thu phục nhân dân và các tù trưởng người dân tộc thiểu số xây dựng căn cứ cả một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, mở rộng đến Lào Cai để trấn giữ biên ải, ngăn giặc bên ngoài tràn vào đất nước.

Trong số các tướng lĩnh của Vũ Văn Mật có Hoàng Văn Đồng, được phiên âm theo tiếng Hán là Hoàng Vần Thùng được giao trấn ải khu vực biên giới từ Bắc Hà (Lào Cai) đến châu Vị Xuyên, dưới thời Vua Lê Trang Tông.

Ngoài việc trấn giữ biên ải, Hoàng Vần Thùng còn dạy dân trồng ngô, cấy lúa, chăn nuôi và diệt trừ cái ác.

Tài liệu ở đền Trung Đô ghi rằng, sau khi ông mất, dân làng chôn ông phía sau đền Trung Đô (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) ngày nay. Hiện tại, tài liệu ghi chép về Hoàng Vần Thùng vẫn đang lưu giữ tại Đền Trung Đô. Một ngôi mộ phía sau đền Trung Đô cũng được cho là của Hoàng Vần Thùng.


Dương Phạm
Bình luận
vtcnews.vn