Phát triển TTCK là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ quan tâm, tích cực chỉ đạo thực hiện thời gian qua. Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 phê duyệt cuối tháng 12/2023, Chính phủ đặt mục tiêu đưa quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030.
Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP, vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030. TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.
Tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Trong chỉ thị đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, trong năm 2023, TTCK tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Mặc dù gặp nhiều thách thức từ cả kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua TTCK đã tăng mạnh, đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm trước.
Diễn biến của TTCK phản ánh sự lạc quan về triển vọng kinh tế và hoạt động doanh nghiệp. Chỉ số TTCK Việt Nam tăng 12,2%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn. Mặc dù các công ty niêm yết gặp khó khăn, nhưng có dấu hiệu phục hồi vào cuối năm.
Năm 2024, mặc dù môi trường kinh tế trong và ngoài nước vẫn đối diện với nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp nhưng dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn được xem là sáng sủa. Chính phủ đã đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 từ đầu năm, xác định năm này là thời điểm quan trọng để thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Bình luận