• Zalo

Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng: Quyết tâm 'thoát' Trung của Nhật, Úc, Ấn?

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 22/08/2020 06:52:53 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang hướng tới nỗ lực mới nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong tương lai.

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung, giảm sự phụ thuộc vào thương mại và chuỗi cung ứng của Trung Quốc của nhiều quốc gia, đặc biệt đối với ba nước Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. 

Cách đây một tháng, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thảo luận về ý tưởng này với Chính phủ Ấn Độ. Theo các nhà kinh tế Nhật tiết lộ, các cuộc đàm phán không chính thức giữa hai bên đã và đang diễn ra. Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) dự kiến sẽ được thảo luận chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Nhật Bản vào đầu tháng 9 tới đây.

Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng: Quyết tâm 'thoát' Trung của Nhật, Úc,  Ấn? - 1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 10/2018.

Úc là quốc gia có nhiều điểm chung phù hợp với SCRI khi mong muốn đa dạng hóa nguồn cung, thoát khỏi sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng hiện nay. Tuy nhiên nước này chưa chính thức đồng ý tham gia sáng kiến.

Nhật Bản đang nhanh chóng rút sản xuất khỏi Trung Quốc. Nước này đã phải chi 2,2 tỷ USD của gói cứu trợ COVID-19 để kích thích nền kinh tế thoát khỏi đình trệ sau sự gián đoạn của chuỗi cung ứng khi đại dịch bắt đầu.

Hồi tháng 7, Nhật đề xuất hỗ trợ 57,4 tỷ yên (542 triệu USD) cho 57 công ty để đầu tư vào sản xuất trong nước, đồng thời hỗ trợ cho 30 công ty khác đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong khi đó, căng thẳng thương mại và chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng thúc đẩy New Delhi tạo chuỗi cung ứng mới bằng cách mở ra sáng kiến vào cuối năm nay.  

Bình luận về sáng kiến này, Jagannath Panda, điều phối viên Đông Á tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi, cho biết: "Đại dịch COVID-19 đã phơi bày sự cần thiết của việc 3 quốc gia giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc... Với khuôn khổ hợp tác có định hướng, (sáng kiến) ba bên có thể trở thành bước đệm hướng tới phục hồi kinh tế, thúc đẩy sự tái phân bổ nguồn lực trong khu vực khỏi Trung Quốc".  

SCRI được xem như là một phản ứng trực diện trước các vấn đề địa chính trị căng thẳng liên quan đến Trung Quốc, trong đó có cuộc giao tranh biên giới Trung - Ấn hồi tháng 6 khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng. Tuy nhiên, nó còn mang một ý nghĩa lớn hơn đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, theo Mark Goh, giáo sư Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore.

Mark Goh cho rằng, SCRI không chỉ mở rộng quan hệ đối tác cạnh tranh công nghiệp Ấn Độ - Nhật Bản mà còn mở ra cơ hội cho các quốc gia khác nhau trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thiết lập chiến lược "Trung Quốc + 1" mới - Chiến lược tạo chuỗi cung ứng dự phòng bên ngoài Trung Quốc. 

Ông Goh cũng khẳng định, nếu được thực hiện đầy đủ, SCRI sẽ gắn kết tất cả các mối quan hệ song phương riêng lẻ giữa các nước với nhau. 

Ngoài ra, SCRI có thể còn được mở rộng ra đối với khu vực ASEAN. "Đối với Ấn Độ, liên kết với ASEAN không chỉ là một cách tiếp cận không bao gồm Trung Quốc mà còn tiếp cận cả với thị trường của ASEAN. Điều này là tất yếu nếu Ấn Độ muốn tạo ra một chuỗi cung ứng tự do ngoài Trung Quốc nhưng lại không để mất một đối tác thương mại như Bắc Kinh. Còn với Úc, (SCRI) là giảm bớt mối lo ngại trong nước về việc phụ thuộc quá mức với Trung Quốc", Goh nói.

Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng: Quyết tâm 'thoát' Trung của Nhật, Úc,  Ấn? - 2

Nhóm Bộ tứ Kim Cương là diễn đàn không chính thức của Mỹ, Nhật, Úc, Ấn.

Nếu có ASEAN, có thể một liên minh tứ giác thương mại mới sẽ được hình thành, theo bước của QUAD (Bộ tứ Kim Cương) - một diễn đàn không chính thức của Mỹ, Nhật, Úc, Ấn. Sáng kiến này cũng cho phép Ấn Độ tái gia nhập mạng lưới thương mại khu vực sau khi nước này rút lui khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Úc đang nghiên cứu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, dành thêm quỹ để tăng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng nông sản. Nước này cũng hỗ trợ chương trình Khảo sát khả năng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu của APEC do Liên minh các chuyên gia thương mại toàn cầu thực hiện. 

Trong khi đó, tại Nhật Bản, chương trình nghị sự hàng đầu luôn là tìm các giải pháp và khả năng để chống lại Trung Quốc, dù rằng nước này không có ý định ngừng hoàn toàn việc hợp tác với Bắc Kinh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Nhật Bản vào tháng 9 tới đây, Nhật Bản có thể sẽ thảo luận về khả năng chuyển một số công xưởng sang Ấn Độ như một phần cam kết với SCRI. Đồng thời, chương trình nghị sự của hai nước cũng có thể bàn luận về căng thẳng biên giới Trung - Ấn và hiệp ước hậu cần quân sự cho phép quân đội Ấn Độ, Nhật Bản có thể sử dụng căn cứ của nhau trong trường hợp cần.

Minh Huy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn