Sản xuất ‘3 tại chỗ’ lộ bất cập: Bộ Công Thương nói gì?

Đầu TưThứ Tư, 11/08/2021 20:33:40 +07:00
(VTC News) -

Nhiều doanh nghiệp chọn mô hình “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất trong dịch COVID-19, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, và đang phát sinh nhiều bất cập.

Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ tối 11/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá mô hình sản xuất “3 tại chỗ” là phương thức sản xuất tốt. Tuy nhiên, việc áp dụng tại các tỉnh phía Nam đang bộc lộ một số bất cập, cần sớm có giải pháp khắc phục, để hỗ trợ doanh nghiệp vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất an toàn.

Sản xuất ‘3 tại chỗ’ lộ bất cập: Bộ Công Thương nói gì? - 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Theo ông Hải, mô hình “3 tại chỗ” đã áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang với số lượng công nhân ít và trong thời gian ngắn. Trong khi đó, các khu công nghiệp phía Nam số lượng người người lao động đông hơn, đến từ nhiều tỉnh khác nhau nên áp dụng "3 tại chỗ" lâu dài còn ảnh hưởng đến tâm lý công nhân.

Bên cạnh đó, TP.HCM và 18 tỉnh, thành phố phía Nam, chuỗi cung ứng, logistics, vận tải bị đứt gãy sớm do dịch nên cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Ngoài ra chi phí thực hiện mô hình sản xuất này quá lớn.

Từ đó Bộ Công Thương đã gửi đề xuất sang Bộ Y tế để bàn cách tháo gỡ, trong đó có nhấn mạnh đến việc đưa ra điều kiện sản xuất để doanh nghiệp dễ thực hiện hơn.

“Chúng tôi cũng có đề xuất kiến nghị sửa đổi về điều kiện sản xuất, trong điều kiện có việc nếu phát hiện F0 thì phải thực hiện thế nào, quy định ra sao”, ông Hải cho hay.

Bộ Công Thương trước đó cũng đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất an toàn.

Trong đó có các giải pháp như có phương án khác ngoài “3 tại chỗ” cho doanh nghiệp lựa chọn; hay quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở và cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các biện pháp an toàn.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động dừng tham gia “3 tại chỗ” giữa chừng và trở về nơi cư trú thế nào để họ yên tâm đăng ký tham gia; có hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất; xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và an toàn cho người lao động; bổ sung quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau…

Bộ Công Thương nhấn mạnh các thay đổi chính sách nên có lộ trình và thời gian báo trước để doanh nghiệp kịp lên kế hoạch và ứng phó với tình hình, không nên quá đột ngột khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp