• Zalo

‘Săn’ tiền Tết của dân, ngân hàng đua nhau ‘leo’ đỉnh lãi suất

Kinh tếThứ Hai, 06/02/2017 14:42:00 +07:00Google News

Sau Tết là thời điểm người dân có nhiều tiền mặt nhất trong năm nên nhiều ngân hàng đua nhau “leo” đỉnh lãi suất để thu hút vốn.

Trong những ngày cuối năm Bính Thân, lãi suất liên tục được các ngân hàng đẩy lên mức cao hơn ở cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Thậm chí, trước ngưỡng cửa “chốt” năm, lãi suất vẫn được ngân hàng đua lên 8%/năm – mức cao kỷ lục ở thời điểm hiện tại.

Kể từ 12/1, ngân hàng Quốc Dân (NCB) cũng áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, mức trần tại NCB vẫn giữ nguyên ở mức 8%/năm. NCB chỉ tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Ở kỳ hạn 6 tháng, NCB áp dụng lãi suất 7%/năm.

Ngoài mức “đỉnh” 8%/năm, NCB còn nhiều mức lãi suất cao như 7,8%/năm (kỳ hạn 18 tháng) và 7,5% áp dụng cho 5 kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng, 30 tháng, 36 tháng và 60 tháng.

Trên webstie của mình, ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (Pvcombank) vẫn niêm yết mức lãi suất cao nhất chỉ là 7,7%/năm áp dụng cho 4 kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng.

lai-suat-cao-1

Sau Tết, các ngân hàng vẫn niêm yết lãi suất cao. Ảnh: Bảo Linh 

Tuy nhiên, tại một số phòng giao dịch như Xã Đàn, “trần” lãi suất tại Pvcombank được niêm yết ở mức cao hơn 7,9%/năm. Đây là mức lãi suất tiết kiệm cao thứ 2 trên thị trường ngân hàng. Gần đây, ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thường xuyên duy trì mức lãi suất này.

Cụ thể, hồi đầu tháng 1/2017, VPBank đã thay đổi biểu lãi suất. Theo đó, lãi suất tiết kiệm tăng ở một số kỳ hạn ngắn nhưng “trần lãi suất” vẫn duy trì ở mức 7,9%/năm. áp dụng cho khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 36 tháng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lại đi ngược xu hướng. Trong khi nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ duy trì chính sách lãi suất huy động cao, Techcombank lại bất ngờ giảm lãi suất.

7,9%/năm cũng là mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (Vietcapital Bank). Mức lãi suất này được áp dụng ở kỳ hạn 18 tháng. Ngoài ra, 12 tháng là kỳ hạn được chú ý tại ngân hàng này khi Vietcapital Bank quy định phải gửi trên 500 tỷ đồng, khách mới có cơ hội hưởng lãi suất 7,4%/năm.

Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPB) cũng nằm trong Top các ngân hàng có mức lãi suất cao nhất. “Trần” lãi suất huy động tại TPB niêm yết ở mức 7,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 37 tháng. Ngoài ra, ngân hàng này còn có lãi suất 7,5%/năm và 7,4%/năm áp dụng tại kỳ hạn 31 tháng và 25 tháng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có mặt bằng lãi suất không quá cao. Tuy nhiên, Sacombank lại có mức “trần” vượt trội 7,55%/năm áp dụng  cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, không dễ để hưởng lãi suất này. Muốn nhận 7,55%/năm, khách hàng phải gửi tối thiểu 500 tỷ đồng.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiên phong trong thay đổi lãi suất. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này được nâng lên 7,5%/năm (kỳ hạn 13 tháng). Eximbank quy định muốn hưởng mức lãi này, khách hàng phải gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Ở các kỳ hạn còn lại, Eximank duy trì chính sách lãi suất thấp.

Kể từ ngày 2/2/2017, Techcombank thay đổi biểu lãi suất. Theo đó, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này giảm từ 7,2%/năm xuống chỉ còn 7%/năm. Để nhận được mức lãi suất cao nhất này, khách hàng phải gửi tiền kỳ hạn 36 tháng.

Các ngân hàng lớn không tham gia “cuộc đua” lãi suất cao. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lần lượt niêm yết ở mức 6,5%/năm, 7%/năm và 6,9%/năm.

Trong những ngày đầu năm mới, Ngân hàng Nhà nước đã có định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2017. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có nhấn mạnh tới lãi suất. Ngân hàng Nhà nước phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện cho vay tái cấp vốn với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ nguồn vốn giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn