• Zalo

'Sân bay ma' ở Đức xây suốt 13 năm, ngốn hơn 8 tỷ USD vẫn 'đắp chiếu'

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 03/01/2020 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sân bay quốc tế Willy Brandt cho đến nay vẫn được xem là biểu tượng cho sự lãng phí ngân sách quốc gia Đức.

Nhìn từ bên ngoài, sân bay Willy Brandt của Berlin trông không khác là bao so với các sân bay tiên tiến, hiện đại bậc nhất trên thế giới. Điều khác biệt duy nhất là không có bất cứ hành khách nào bên trong dù Willy Brandt được khởi công xây dựng từ tháng 3/2006. 

Ngược trở lại 13 năm trước, với mục tiêu thay thế chức năng của 2 sân bay quốc tế đang quá tải ở Berlin là Tegel ở phía Tây và Schonefeld ở phía Đông, chính phủ Đức động thổ khởi công Willy Brandt và dự kiến sẽ hoàn thành công trình sau đó 4 năm. 

Tuy nhiên, tới mùa hè năm 2010, vấn đề bắt đầu phát sinh khi Flughafen Berlin-Brandenburg, tập đoàn chịu trách nhiệm việc xây cất Willy Brandt đẩy thời điểm khai trương từ tháng 10/2011 sang 6/2012.

'Sân bay ma' ở Đức xây suốt 13 năm, ngốn hơn 8 tỷ USD vẫn 'đắp chiếu' - 1

Chi phí bảo trì 700 màn hình hiển thị "ngốn" tới 10 triệu euro mỗi tháng. (Ảnh: CNN)

Tới năm 2012, mọi thứ tưởng như đã sẵn sàng khi thành phố lên kế hoạch tổ chức buổi lễ khánh thành với sự tham gia của Thủ tướng Angela Merkel thì các thanh tra bất ngờ phát hiện các sai sót nghiêm trọng với hệ thống báo cháy. 

Ngày khai trương lại bị lùi sang năm 2013. 

Liên tục trong khoảng thời gian này, hàng loạt các vấn đề khác lại nổi lên. Hơn 90m dây cáp của Willy Brandt được lắp đặt không đúng; 4.000 cánh cửa bị đánh số sai; các cầu thang cuốn quá ngắn, cái bàn làm thủ tục check-in cho khách không đủ theo yêu cầu, mặt sàn lối đi lại, vỉa hè tiền sảnh đón trả khách xuất hiện những vết nứt có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Kinh phí dự kiến để hoàn thành Willy Brandt ban đầu ước tính vào khoảng 2,83 tỷ euro (3,2 tỷ USD). Nhưng sau các đợt sửa chữa và trì hoãn, con số này bị đội lên gấp nhiều lần và hiện lên tới hơn 7,3 tỷ euro (8,1 tỷ USD) 

Jörg Stroedter, phát ngôn viên của đảng Dân chủ Xã hội trung tả trong Ủy ban sân bay ở Quốc hội Đức cho rằng việc sửa chữa thay vì xây dựng lại là lý do khiến chi phí xây dựng Willy Brandt bị đội lên cao như vậy. 

"Việc không kịp khai trương vào năm 2012 lẽ ra đã phải dẫn đến quyết định phá hủy toàn bộ tòa nhà, dỡ bỏ toàn bộ các cơ sở vật chất phức tạp. Nếu làm vậy thì sân bay đã có thể hoạt động từ lâu rồi, với những cơ sở vật chất mới hơn, ít phiền toái hơn", ông này cho hay. 

Câu hỏi đặt ra là nếu ông Stroedter dễ dàng nhận ra vấn đề này, tại sao hãng xây dựng sân bay lại không nhìn ra mà vẫn cố đấm ăn xôi với dự án đầy khiếm khuyết của mình. 

Theo BBC, các nhà phát triển dự án thừa hiểu vấn đề nhưng họ ngần ngại cắt lỗ khi đã đổ núi tiền và thời gian vào công trình này.

'Sân bay ma' ở Đức xây suốt 13 năm, ngốn hơn 8 tỷ USD vẫn 'đắp chiếu' - 2

Nhiều người ví Willy Brandt như một "sân bay ma" và là nỗi xấu hổ của Berlin. (Ảnh: CNN)

Việc trì hoãn ngày càng kéo dài, các thanh tra viên ngày càng phát hiện ra nhiều vấn đề. Số lần thay máu ban lãnh đạo công ty hoạch định dự án cũng ngang ngửa số lần ngày khai trương bị đẩy lùi. 

Ban đầu, thay vì chỉ định một nhà tổng thầu điều hành dự án, Flughafen Berlin-Brandenburg quyết định tự quản lý dù không có kinh nghiệm đảm đương dự án có tầm quy mô lớn đến vậy. Ông Fiedler tin rằng đây là bước đi sai lầm đầu tiên, kéo theo hậu họa về sau. 

"Họ chưa từng điều hành dự án nào có mức độ phức tạp cao đến vậy. Một hội đồng giám sát mà bao gồm cả các chính trị gia thì tất nhiên là không làm được việc", ông này nói. 

Sau nhiều lần dời ngày khánh thành sang năm 2014 rồi 2016, giới chức Đức quyết định không hứa hẹn ngày khánh thành nữa mà trì hoãn dự án vô điều kiện để hoàn thiện khâu kiểm tra và sửa chữa. 

Mặc dù chưa đi vào hoạt động, Willy Brandt vẫn ngốn một núi tiền cho việc "xây dựng, bảo trì kỹ thuật, các dịch vụ quản lý cơ sở vật chất và an ninh". 

'Sân bay ma' ở Đức xây suốt 13 năm, ngốn hơn 8 tỷ USD vẫn 'đắp chiếu' - 3

Từ chi phí 2,83 tỷ euro ban đầu, kinh phí đổ vào Willy Brandt giờ đã lên tới hơn 7 tỷ euro. (Ảnh: CNN)

Màn hình hiển thị chuyến bay vẫn hoạt động, mỗi tháng ngốn 10 triệu euro phí bảo trì dù không có bất cứ hành khách qua lại trong sân bay. Có khoảng từ 300 đến 500 người làm việc thường xuyên tại tòa nhà ga chính, tùy thuộc vào kế hoạch xây dựng và số tiền trả lương cho họ không phải là con số nhỏ. Các đoàn tàu không khách vẫn phải di chuyển qua lại trong sân ga 5 ngày trong tuần để giữ cho hệ thống thông gió hoạt động bình thường. 

Sau năm lần bảy lượt trì hoãn và không một cam kết về tương lai của Willy Brandt, một quan chức cao cấp của hãng hàng không Lufthansa thậm chí còn dự đoán sân bay này sẽ không bao giờ mở cửa nổi.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố bất ngờ đưa ra hồi đầu tháng, CEO của Willy Brandt cho biết sân bay này dự kiến sẽ được khai trương vào ngày 31/10/2020. 

"Chắc chắn sẽ rất tuyệt khi thấy Berlin cuối cùng cũng có được một sân bay đàng hoàng. Chúng ta đang tiến rất gần tới ngày khánh thành theo kế hoạch", ông này cho hay. 

Tuy nhiên, ban lãnh đạo sân bay thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải hoàn thành cho tới trước khi Willy Brandt chính thức được vận hành. 

Nhiều người vẫn hoài nghi khi cho rằng khoảng thời gian từ nay cho tới cuối tháng 10 đủ để các thanh tra phát hiện thêm các sai phạm và tiếp tục dời lịch khánh thành dự án hơn 13 năm tuổi này. 

 

 

Song Hy(Nguồn: BBC)
Bình luận
vtcnews.vn