• Zalo

Sân bay Long Thành: Tại sao không có cơ quan độc lập làm để yên lòng dân?

Thời sựThứ Năm, 04/06/2015 01:50:00 +07:00Google News

"Tại sao sân bay Long Thành không đưa đơn vị độc lập vào làm để yên lòng dân", đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi trong phiên thảo luận sáng nay.

(VTC News) - "Tại sao sân bay Long Thành không đưa đơn vị độc lập vào làm để yên lòng dân", đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi trong phiên thảo luận sáng nay.

Hôm nay (4/6), Quốc hội thảo luận về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, trước khi quyết định thông qua vào cuối kỳ họp này.

Trong báo cáo Dự án trình Quốc hội lần này, Chính phủ tiếp tục khẳng định sự cần thiết của việc đầu tư Dự án, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao trong sự quá tải của Sân bay Tân Sơn Nhất.
Sân bay Long Thành: Tại sao không có cơ quan độc lập làm để yên lòng dân?
Đại biểu Dương Trung Quốc.
Ngoài ra, báo cáo còn đưa ra những tính toán kiểm định, tiếp tục khẳng định dự án không tác động nhiều tới nợ công…

Trong đó, Chính phủ chỉ trình chủ trương đầu tư xây dựng sân bay giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2018 - 2025 với quy mô 25 triệu hành khách, số vốn đầu tư đã giảm gần 1/3 từ 7,8 tỷ USD xuống còn 5,2 tỷ USD.


Trong phần thảo luận tại hội trường về dự án này, đa số ý kiến của các đại biểu đều đồng ý, tán thành với việc xây dựng dự án này.

Mở đầu phần ý kiến của các đại biểu, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bày tỏ ý kiến đồng tình, nhưng điều khiến ông băn khoăn là một dự án đã có chủ trương từ 10 năm trước, nhưng tại sao đến giờ mới đưa vấn đề ra thảo luận.

 

Phải xây sân bay Long Thành, vì thành phố đã quá bức xúc với việc Tân Sơn Nhất quá tải, trở thành trở lực cho không chỉ TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đại biểu Trần Du Lịch
 
Ông Quốc cho hay, sân bay Long Thành là một dự án thành phần của quy hoạch tổng thể khu vực Đông Nam Bộ. Nhiều hạng mục của quy hoạch tổng thể dự án này đã được thực hiện, nhưng không hiểu vì sao sân bay Long Thành đến nay mới bàn từ đầu là làm hay không làm?


"Nếu không làm thì cả quy hoạch bị vỡ và sẽ lãng phí", ông Quốc lo lắng nói.

Theo đại biểu Quốc, lẽ ra phải đưa ra sớm để người dân biết, các tổ chức xã hội dân sự phản biện, không thể triển khai 10 năm rồi mới đưa ra Quốc hội thì rất khó xử, phải lấy các nghị quyết của Đảng ra để bảo vệ.

"Đảng quyết rồi thì Quốc hội làm gì, giờ Quốc hội bàn cũng không đi đến đâu cả", ông Quốc cho hay.

Vấn đề khác, theo đại biểu Quốc là không phải đại biểu nào cũng đủ thông tin để đánh giá hiệu quả của dự án, vậy tại sao không có tư vấn độc lập để dân yên lòng?

"Cứ một phía nói hiệu quả một phía nói không, mà không có một tiếng nói cuối cùng. Cần có một cơ quan tư vấn độc lập có đủ sức thuyết phục để dân yên lòng, các nhà khoa học tâm phục khẩu phục, tạo sự đồng thuận cao", ông Quốc thẳng thắn nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng cần phải thay đổi cách làm, không chỉ với dự án Long Thành để đại biểu không cảm thấy được đặt vào tình thế đã rồi, quyết trong hoàn cảnh không còn con đường nào khác.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng khẳng định, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là bất khả thi bởi về lâu dài không có sân bay quốc tế nằm trong khu dân cư, việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng là bất khả thi. Và nhất là, theo quy hoạch vùng đô thị TP.HCM thì không có mở rộng Tân Sơn Nhất.

"Phải xây sân bay Long Thành, vì thành phố đã quá bức xúc với việc Tân Sơn Nhất quá tải, trở thành trở lực cho không chỉ TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", ông Lịch nói.

Ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, đại biểu Trần Ngọc Vinh còn cho rằng "nếu chậm sẽ mất thời cơ vàng”.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng muốn Chính phủ đưa ra nhiều phương án huy động vốn để đại biểu chọn lựa, có tính đến trượt giá.

"Phải bảo đảm tiết kiệm, vì lãng phí là có tội với dân, phải làm cử tri tin tưởng rằng vốn vay về là để đầu tư có hiệu quả", ông Vinh nhấn mạnh.

Về nguồn vốn đề thực hiện dự án này, trong khi đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, sân bay Long Thành sẽ không có đối thủ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nên nguồn vốn sẽ không phải là mối lo lớn.

Đại biểu Trần Văn (Cà Mau) cũng nêu quan điểm, nguồn vốn đầu tư dự án "không tạo gánh nặng lên ngân sách và các thế hệ mai sau".

Ngoài ra, ông Văn cũng cho rằng, báo cáo cũng chưa nói đến lượng khách quốc tế cũng như Việt Nam sẽ được đón tiếp tại sân bay này.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn