Samsung vừa tung ra chương trình cho phép người dùng mẫu điện thoại Galaxy S20, S21 và máy tính bảng Tab S7+ của công ty tự sửa chữa thiết bị. Thương hiệu Hàn Quốc cùng iFixit cung cấp công cụ và linh kiện thay thế cho các khách hàng tại Mỹ.
Tuy nhiên, thế hệ điện thoại cao cấp mới nhất của hãng là Galaxy S22 series cùng tablet đầu bảng Tab S8 Ultra không nằm trong danh sách thiết bị được hỗ trợ. Samsung cho biết họ có kế hoạch mở rộng danh mục thiết bị và linh kiện sửa chữa trong tương lai.
Người dùng được cung cấp công cụ và linh kiện để thay màn hình, mặt kính sau và cổng sạc. Khách hàng có thể mua dịch vụ qua iFixit và các điểm bán lẻ của Samsung. Ngoài ra, công ty cũng thu hồi phần linh kiện hỏng hóc của người dùng để tái chế.
Về chi phí, Samsung cho biết khách hàng sẽ phải trả tương đương với mức các dịch vụ sửa chữa bên thứ 3, đối tác của hãng đang cung cấp. Theo bảng giá được cung cấp bởi Jordan Guthmann, một đại diện truyền thông từ Samsung Mỹ, giá thay màn hình Galaxy S20 là 200 USD, mặt kính sau 70 USD. Trong khi đó, chi phí thay cổng sạc là 60 USD. Với mẫu S21 Ultra, thay màn hình đắt hơn 30 USD, trong khi kính sau và đầu sạc có giá tương tự.
Tuy nhiên, trong danh mục linh kiện người dùng có thể sửa chữa không bao gồm pin. iFixit có hướng mục hướng dẫn để thay pin cho flagship Samsung, tuy nhiên công đoạn này khá phức tạp. Ngoài ra, công ty không bán pin thay thế cho điện thoại Galaxy.
Samsung là thương hiệu mới nhất triển khai chương trình tự sửa chữa thiết bị tại nhà với linh kiện và công cụ chính thức của hãng. Google, Valve đã hợp tác cùng iFixit để mở rộng việc tự sửa chữa của khách hàng. Các công ty này cung cấp nhiều dịch vụ chuyên sâu. Trong đó, người dùng có quyền thay thế gần như mọi bộ phận của chiếc Steam Deck từ Valve.
Apple cũng tung ra chương trình sửa chữa tại nhà cho khách hàng. Công ty gửi các công cụ chuyên biệt để người dùng tự thay pin, loa đáy, camera, màn hình hay bộ rung Taptic Engine trên iPhone 12 và 13 series
Theo The Verge, thời đại của việc tự sửa chữa thiết bị điện tử đang đến. Các công ty dần phải từ bỏ sự độc quyền sửa máy. Ông Kyle Wiens, Giám đốc Điều hành iFixit cho rằng bảng điểm đánh giá khả năng sửa chữa của Pháp gây áp lực lên các hãng. Điều luật ở quốc gia này yêu cầu công bố mức độ có thể can thiệp của thiết bị, thang điểm 0-10, ngay bên cạnh nhãn giá.
Ngoài ra, Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu tán thành việc yêu cầu EU buộc các nhà sản xuất làm cho thiết bị dễ sửa chữa hơn.
Trong quá khứ, các doanh nghiệp công nghệ hạn chế quyền sửa chữa của người dùng để tránh những lo ngại về việc tự làm hỏng thiết bị hoặc gây cháy nổ. Điều này là lý do khiến nhiều công ty chọn kết hợp với iFixit, cung cấp hướng dẫn cụ thể và đơn giản hơn để khách hàng có thể tự thực hiện tại nhà. Ngoài ra, việc thay thế cũng không được mở hoàn toàn. Trong đó bao gồm việc người dùng không thể tự thay bo mạch máy.
Bình luận