Sau vòng 14 Toyota V.League 2017, Ban Kỷ luật VFF đã đưa ra án kỷ luật với các hành vi vi phạm. Điều đáng nói, một lần nữa quyết định của VFF lại gây ra tranh cãi bởi sự vô lý, áp đặt và thậm chí là cảm tính chứ không căn cứ vào luật. Rất tiếc, sau khi ra án kỷ luật, ông Trưởng ban Kỷ luật VFF lại “mất tích” chứ không hề lên tiếng, giải thích…
Ban kỷ luật áp dụng sai luật?
Với pha phạm lỗi khi vào bóng bằng cả 2 chân của Sầm Ngọc Đức với An Hùng, hậu vệ này bị phạt 30 triệu đồng, treo giò 8 trận do “có hành vi cố tình xâm phạm thân thể”. Cơ sở để Ban kỷ luật VFF áp án phạt này là theo khoản 2, điều 39 Quy định kỷ luật của VFF, nội dung như sau:
“Hành vi xâm phạm thân thể, bị phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng và bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ từ 5 đến 8 trận trong các trường hợp sau: a) Vi phạm nhiều lần đối với 01 người hoặc đối với nhiều người; b) Vi phạm đối với quan chức; c) Gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, thân thể người khác."
Clip: Pha phạm lỗi của Sầm Ngọc Đức
Ở trường hợp của Sầm Ngọc Đức với tình huống tranh chấp bóng phạm lỗi thì là vô lý nếu Ban kỷ luật cố tình áp vào khoản 2 điều 39. Bởi thực tế băng hình cho thấy, cầu thủ này phạm lỗi dù nguy hiểm nhưng là lỗi trong tình huống tranh chấp bóng chứ không phải bỏ bóng đánh người hay có hành vi, động tác có thể coi là “xâm phạm thân thể”.
Nó không thể bị quy chụp, áp dụng khung hình phạt như Ban kỷ luật quyết định, nếu chiếu theo các quy định thuộc khoản 2, điều 39.
Sự bất hợp lý trong việc áp án kỷ luật với Sầm Ngọc Đức còn thể hiện rõ, khi đặt cạnh so sánh với án kỷ luật dành cho thủ môn Nguyễn Huỳnh Quốc Cường sau pha phạm lỗi với tiền đạo Da Sylva và nhận phát phạt treo giò 3 trận, phạt 15 triệu đồng.
Tình huống trong trận đấu giữa Long An với TPHCM đó, thủ thành này băng ra đạp thẳng vào ngực đối thủ chứ không cố gắng tranh chấp bóng.
Dù trọng tài Hoàng Anh Tuấn không theo kịp tình huống, không phát hiện ra lỗi bỏ bóng đạp thẳng người của cầu thủ Long An nên không phạt thẻ nhưng khi bị xem xét, Ban kỷ luật đã áp vào khoản 1, điều 39 (Người nào có hành vi nhằm sử dụng vũ lực hoặc cố tình xâm phạm thân thể người khác thì bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng và bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ từ 2 đến 5 trận) và phạt Quốc Cường 15 triệu đồng, treo giò 3 trận “do có hành vi cố tình xâm phạm thân thể”.
Sự khác biệt của 2 án phạt, nằm ở nhìn nhận và quyết định áp dụng các điều khoản trong Quy định kỷ luật của Ban kỷ luật chứ không phải bản chất của một tình huống bóng phạm lỗi.
Nó xuất phát từ sự cảm tính và chịu sự tác động của dư luận. Ở đây, Sầm Ngọc Đức bị “đè” ra xử dù phạm lỗi tranh bóng nguy hiểm bởi trận Hà Nội - Hải Phòng là tâm điểm chú ý, tình huống này được báo chí, mạng xã hội tập trung khai thác trong khi trận Long An - TPHCM và pha bóng của Quốc Cường ít được nhắc đến, mổ xẻ.
Ban kỷ luật có thể lại bị “tuýt còi”
Bóng đá cũng như tất cả các môn thể thao khác đều có luật chơi mang tính đặc thù, được tổ chức, điều hành, quản lý và có chế tài dựa trên luật là Quy chế bóng đá, Điều lệ giải và Quy định kỷ luật.
Thế nên, việc kỷ luật phải căn cứ trên hành vi vi phạm và Quy định kỷ luật chứ không thể cảm tính, theo định hướng dư luận. Có thể nói, với án phạt với Sầm Ngọc Đức, Ban kỷ luật VFF đã quyết định theo sự dẫn dắt, chi phối của dư luận cũng như áp lực từ những vụ việc của Đình Đồng, Quế Ngọc Hải trước đó.
Video: Anh Hùng rơm rớm nước mắt sau chấn thương
Do trùng với ngày thi đấu vòng 15 Toyota V.League nên CLB Hà Nội chưa có phản ứng chính thức và được biết, sau trận đấu với SHB Đà Nẵng thì đội bóng Thủ đô sẽ nhờ luật sư tư vấn đề gửi đơn lên Ban giải quyết khiếu nại xem xét lại án phạt bị xem là áp đặt, chiều theo dư luận và thiếu công bằng với tuyển thủ Quốc gia này.
Nếu CLB Hà Nội đấu tranh quyết liệt chứ không thỏa hiệp, nhiều khả năng Ban kỷ luật VFF sẽ lại một lần nữa bị “tuýt còi” vì kỷ luật chưa “đúng người, đúng tội” và đúng luật.
Từ vụ Omar bị kỷ luật 8 trận rồi sau đó được giảm án còn 6 trận khi FLC Thanh Hóa gây áp lực và gửi đơn khiếu nại tới Ban giải quyết khiếu nại VFF, từ vụ Hoàng Vũ Samson trắng án dù chơi tiểu xảo liên tiếp đạp vào người Châu Ngọc Quang (HAGL) với lập luận khôi hài “Tình huống tranh chấp bóng với mức độ liều lĩnh, không quan tâm đến sự an toàn của cầu thủ đối phương, chứ không phải hành vi bạo lực” và sau đó phải phạt nguội 2 trận như là “tự tay tát mặt” đến vô số vụ xử lý kỷ luật “như đùa”, Ban kỷ luật VFF gần như không còn uy tín và niềm tin.
Bởi thế, giá trị và mục đích răn đe, tuyên chiến với vấn nạn bạo lực cùng những hành vi tiêu cực trên sân cỏ Việt Nam đôi khi lại phản tác dụng.
Bình luận