• Zalo

Sai phạm ở dự án cao tốc 34.500 tỷ: Không giới hạn mở rộng điều tra

Pháp luậtThứ Hai, 25/11/2019 07:03:00 +07:00Google News

Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Công an - khẳng định không có giới hạn nào trong việc mở rộng điều tra vụ án sai phạm ở cao tốc 34.500 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Tại cuộc họp do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 18/11, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong đó có vụ "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Có dấu hiệu tội phạm phải xử lý

Trao đổi với Zing.vn, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, giải thích việc bổ sung vụ án xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi là nhằm tập trung vào xem xét, điều tra và xử lý.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc trong vụ án cao tốc 34.500 tỷ này, Bộ Công an có mở rộng điều tra với những đối tượng khác liên quan, đại tướng Tô Lâm khẳng định nếu vi phạm pháp luật thì không có giới hạn nào trong việc mở rộng vụ án.

tolam_zing

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an. (Ảnh: Hải Quân) 

Cứ liên quan pháp luật ở đâu là cơ quan điều tra làm rõ, có dấu hiệu tội phạm là phải điều tra, chứ không có chủ trương giới hạn hay mở rộng”, tướng Tô Lâm nói.

Ông cho biết vụ án đang được điều tra, khi có kết quả mới tính đến việc mở rộng vụ án ra sao. “Nghĩa là có thể mở rộng điều tra cả với những người liên quan ở cấp quản lý Nhà nước?”, phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi. Người đứng đầu Bộ Công an khẳng định sẽ “làm hết”, ở đâu có dấu hiệu tội phạm thì phải xử lý.

Liên quan đến dự án này, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Trang cho biết vừa qua UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), nơi dự án cao tốc đi qua, đã có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, kiến nghị sớm giải quyết các tồn tại, vướng mắc do ảnh hưởng của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trên địa bàn, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế.

Theo lời bà Trang, đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi văn bản này tới Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng trực tiếp chuyển văn bản này cho tư lệnh ngành giao thông.

Trao đổi với Zing.vn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cho biết ông đang đi công tác nước ngoài nên chưa nắm được Bộ trưởng GTVT đã có phản hồi gì về việc này, nhưng khi nhận được văn bản kiến nghị của huyện Bình Sơn, ông đã ký và đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi đã gửi văn bản cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Dân đòi đường nhà thầu mượn

Văn bản báo cáo về vướng mắc liên quan đến việc mượn đường thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa bàn xã Bình Trung và huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, do Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đỗ Thiết Khiêm ký, được gửi tới Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình.

Văn bản nêu rõ thời gian qua, cử tri huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thường xuyên có ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc hoàn trả đường mượn tạm sử dụng thi công gói thầu A3 dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cụ thể, năm 2014, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng nhà thầu thi công là Công ty TNHH tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô phối hợp với UBND huyện Bình Sơn và UBND xã Bình Trung thống nhất mượn tạm 4 tuyến đường huyện và 3 tuyến đường xã.

11_zing_1

Nhiều điểm hư hỏng nghiêm trọng liên tiếp xuất hiện trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. (Ảnh: Đoàn Nguyên) 

Nhà thầu cam kết hoàn trả các tuyến đường đã mượn tạm sau khi dự án trên được thi công xong trước ngày 30/10/2017.

Nhưng đến nay, việc hoàn trả các tuyến đường đã mượn tạm phục vụ thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua huyện Bình Sơn vẫn chưa được thực hiện.

Trong khi đó, các tuyến đường này hiện đã hư hỏng nghiêm trọng, khó khăn cho việc đi lại, gây mất an toàn giao thông và gây bức xúc trong nhân dân.

Lãnh đạo huyện Bình Sơn cho biết địa phương đã có rất nhiều văn bản đề nghị Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phối hợp thực hiện và giải quyết dứt điểm việc hoàn trả đường nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có văn bản hẹn nhiều lần nhưng không thực hiện gây bức xúc trong nhân dân và gây mất lòng của nhân dân đối với chính quyền địa phương.

Trường hợp không hoàn trả các tuyến đường, địa phương đề nghị hỗ trợ bằng kinh phí như đã cam kết để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện, giải quyết vấn đề an toàn giao thông, phục vụ đi lại của nhân dân được thuận lợi. Vì hiện ngân sách địa phương còn rất khó khăn, không thể sửa chữa khắc phục các tuyến đường này.

Theo tính toán, tổng giá trị dự toán hoàn trả hạ tầng trên địa bàn huyện Bình Sơn (bao gồm 4 tuyến đường huyện và 3 tuyến đường xã) là hơn 10 tỷ đồng.

Khó tạo niềm tin cho các dự án khác

Những hư hỏng liên tiếp xuất hiện tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội đưa vào diễn đàn Quốc hội.

Khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên nghị trường, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Trang nhắc đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã chính thức thông xe và đưa vào khai thác, nhưng ngoài việc xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hư hỏng do phục vụ thi công vẫn chưa được thực hiện.

Mặc dù Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo khắc phục vấn đề trên vào năm 2018 và rất nhiều văn bản, công văn, đến nay các đường gom, đường dân sinh vẫn chưa được hoàn trả”, bà Trang nói.

trang_zing 3

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Trang. (Ảnh: Hải Quân) 

Theo bà, nhà thầu thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau khi làm việc với Bộ GTVT đã có nhiều văn bản hứa hẹn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cử tri liên tục phản ánh bức xúc khi đi lại rất khó khăn qua các điểm hư hỏng.

Nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng GTVT tiếp tục khẩn trương chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm việc với các nhà thầu thi công, hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hư hỏng, bảo đảm điều kiện giao thông sản xuất cho nhân dân.

Việc giải quyết phải hài hòa lợi ích chính đáng của chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền địa phương và nhân dân, tuy chỉ đối với một dự án được triển khai trên một địa bàn nhất định nhưng thể hiện kỷ cương, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Như vậy mới tạo sự đồng thuận và là niềm tin để thực hiện nhiều dự án khác, góp phần đẩy nhanh tiến độ, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư”, bà Trang nhấn mạnh.

Info_cao_toc_moi 4

 

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn