Ngày 10/3, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức hội nghị giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Báo cáo trước đoàn giám sát, đại diện SAGRI cho biết, đơn vị đang quản lý sử dụng 42 mặt bằng. Trong năm 2020 và 2021, SAGRI đã đề xuất UBND TP.HCM cho bàn giao trả lại 18 mặt bằng. Tuy nhiên đến nay, mới có 2/18 mặt bằng có quyết định thu hồi nằm tại khu đất của xa lộ Hà Nội (phường An Phú, TP Thủ Đức) và khu đất trên đường Lâm Văn Bền (quận 7).
Giải trình vì sao chậm trễ bàn giao 16 khu đất còn lại, Tổng Giám đốc SAGRI Phạm Thiết Hòa cho rằng, đây không chỉ là vấn đề của đơn vị mà là vấn đề nhiều tổng công ty gặp phải khi vướng liên quan đến mặt bằng đất đai.
"Dù không sử dụng những mặt bằng này, nhưng SAGRI vẫn phải nộp số tiền thuê đất hàng năm rất lớn. Đất đai quý lắm chứ. Tổng Công ty có được mặt bằng mừng lắm và có những mặt bằng rất đẹp nằm ở quận 7, nhưng chúng tôi phải trả lại”, ông Hòa nói và nêu 2 lý do.
Lý do đầu tiên được Tổng Giám đốc SAGRI nêu ra là quy hoạch sử dụng đất tại những khu vực được giao không còn phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Tổng Công ty. Các khu đất ấy đã được quy hoạch cho mục đích công cộng như trường học, cây xanh, dân cư, công viên...
Mặt khác, trong thời gian chờ hoàn tất việc giao lại mặt bằng, đơn vị phải xây dựng, sửa chữa, xin giấy phép. Tuy nhiên, các quy hoạch cho mục đích công cộng khiến SAGRI không thể xin giấy phép đúng ngành nghề; nhiều mặt bằng có hợp đồng thuê đất quá hạn nên không thể sử dụng.
Ngoài 2 mặt bằng đã bàn giao cho TP.HCM, SAGRI cho biết, 16 mặt bằng còn lại đã trình lên UBND TP.HCM và đang chờ Sở TNMT xử lý. Ông Hòa mong muốn trả lại các mặt bằng này “càng sớm càng tốt” để không phải đóng tiền thuê đất và Nhà nước có thêm quỹ đất để tạo nguồn ngân sách.
Kết luận buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM đồng tình và cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nguồn lực đất đai do SAGRI quản lý bị lãng phí. SAGRI cần nhận định, đánh giá các nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp khắc phục vấn đề.
Bà Tuyết cho biết, Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ kiến nghị UBND TP.HCM xem xét về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước này.
Bình luận