1. Khi phóng viên đặt câu hỏi: "Liệu Văn Hậu có được sử dụng ở kỳ SEA Games tới?", HLV Park Hang Seo bật cười. Còn quá sớm để nói về lựa chọn nhân sự cho giải đấu sau đây một năm.
Văn Hậu ở đẳng cấp có thể xuất ngoại, chiếm suất cứng ở đội tuyển quốc gia, là trụ cột của nhà vô địch V-League, hai lần chinh chiến ở sân chơi này và ghi cú đúp ở chung kết. Tầm vóc của anh đã vượt quá đấu trường trẻ của khu vực. Rất dễ hiểu nếu ông Park không gọi Văn Hậu.
Tuy nhiên, câu hỏi về Văn Hậu còn mang một lớp nghĩa khác. Cầu thủ gốc Thái Bình là cái tên cuối cùng của lứa tạo nên kỳ tích Thường Châu còn đủ tuổi đá SEA Games.
Không gọi Văn Hậu, HLV Park Hang Seo gần như sẽ làm việc với lứa cầu thủ mới, nơi ông phải chấp nhận chất lượng con người có thể không bằng trước đây, nhưng mục tiêu thì vẫn vậy.
2. Ngoài Văn Hậu, ông Park cũng chỉ còn Văn Toản là cầu thủ từng đá chính ở SEA Games 30 còn đá được ở SEA Games 31. Những Quang Nho, Bảo Toàn, Tiến Anh,... từng được gọi để chuẩn bị cho SEA Games trước, nhưng không được chọn để lên đường sang Philippines.
Lại nói về sự hiện diện của Trọng Hoàng và Hùng Dũng - hai cầu thủ quá tuổi đóng góp rất quan trọng trong chiến dịch giành Vàng, phải đề cập đến may mắn vô hình của U22 Việt Nam ở giải đấu này. Philippines không mạnh về đào tạo trẻ. Nước chủ nhà đề xuất điều luật gọi cầu thủ quá tuổi để khỏa lấp yếu kém, tạo lợi thế cho chính họ.
Điều này vô tình giúp HLV Park có thêm quân bài lấp khoảng trống. Nhìn U23 Việt Nam chật vật ở châu Á để thấy, nếu không có Trọng Hoàng và Hùng Dũng, chưa chắc chặng đường vô địch SEA Games của Việt Nam bằng phẳng đến thế.
Đội hình chính của U22 Việt Nam ở giải này có một nửa số người từng dự U20 World Cup, một nửa khoác áo ĐTQG với kinh nghiệm thi đấu phong phú.
Đấy là những yếu tố U22 Việt Nam của ông Park hôm nay không có. Quang Nho, Bảo Toàn, Hoàng Anh, Văn Công, Văn Lắm,... mới mùa đầu hít thở bầu không khí V-League. 19/48 cầu thủ được gọi đang đá ở hạng Nhất và hạng Nhì. Trừ Văn Toản, chưa ai từng được dự SEA Games.
U22 Việt Nam đang trải qua giai đoạn đứt gãy lớn nhất từ khi ông Park cầm đội. Văn Toản không thể là cầu nối giữa U22 cũ và U22 mới, bởi anh chơi ở vị trí thủ môn, vốn không ảnh hưởng nhiều lên cách vận hành chiến thuật.
HLV Park Hang Seo không còn "trò cưng" chinh chiến các giải lớn trong quá khứ. Khi mới sang Việt Nam, ông tìm đến Xuân Trường - tiền vệ giỏi tiếng Hàn, đã chơi ở K-League. Khi lứa Công Phượng, Xuân Trường quá tuổi, HLV Park có Quang Hải, Tiến Dũng, Đức Chinh, vốn quá hiểu cách chơi của đội. Lứa cầu thủ này không còn ai ở SEA Games 31.
3. U22 Việt Nam sẽ không có sự tiếp nối vinh quang giữa cũ và mới. Lần đầu tiên sang Việt Nam, Park Hang Seo không còn kế thừa. Ông sẽ xây dựng lại từ đầu.
Nếu trận giao hữu với Ulsan Hyundai hồi tháng 12/2017, HLV Park Hang Seo dùng lại nền tảng sẵn có của những người tiền nhiệm, chỉ thay đổi vị trí một vài con người để xoay sang sơ đồ 3 hậu vệ, thì trận giao hữu trong cơn mưa trắng xóa ở sân tập VFF giữa bốn đội hình mang một thông điệp khác: ông Park phải xóa sạch vinh quang quá khứ và nuối tiếc (nếu có).
Bóng đá trẻ luôn khắc nghiệt, vì các lứa chưa chắc đồng đều, chưa kể mức độ tạo điều kiện cho cầu thủ cũng khác nhau. HAGL, Hà Nội FC đi đầu trong trẻ hóa, nhưng không thể đòi hỏi khi đang tạo điều kiện cho lứa 95-97, các đội phải đôn lứa 99 lên thi đấu ngay.
Sự tiếp nối liền mạch giữa hai, ba lứa cầu thủ kề sát độ tuổi là điều không đơn giản. HLV Park và các CLB V-League đã "dốc vốn" để xây dựng lứa 95-97 vô cùng tài năng. Khi lứa này vẫn đang trong độ sung sức, lứa kế cận không dễ chen chân vào ở cấp CLB lẫn ĐTQG.
Nhưng đặc thù U22 Việt Nam là sự luân chuyển, thay đổi liên tục, có thể đẩy ông Park vào thế khó. Cuộc tập dượt với 48 cầu thủ với sự tham gia của cả đội trợ lý Hàn Quốc cho thấy HLV Park đang xây móng, đổ nền. Ông đã kế thừa, tận dụng rất tốt những cái đang có, biến cái tốt thành tốt hơn. Vậy còn biến cái chưa tốt trở thành tốt thì sao?
Một, hai thất bại ở các giải lớn có thể khiến bất cứ vương triều nào lung lay. Đó là đặc thù của bóng đá, khắc nghiệt nhưng rất thú vị. HLV Park đã lường trước tất cả khi ký hợp đồng lần hai, trong buổi lễ mà ông thừa nhận: có thể là lần cuối được VFF mời ký hợp đồng.
Chiến lược gia người Hàn Quốc vẫn đương đầu, và đây là cơ hội để ông khẳng định giá trị của chiến lược gia đã một tay tái sinh cả nền bóng đá Việt.
Bình luận