1. Gọi Antonio Conte là "công thần" của Chelsea cũng hơi khó. Ông không tạo nên một kỷ nguyên thành công như Jose Mourinho, cũng không mang về danh hiệu lịch sử cho CLB (chức vô địch Champions League) như Roberto Di Matteo. Chiến tích của Conte được gói gọn trong chiếc cúp bạc Ngoại hạng Anh 2016/2017 và danh hiệu FA Cup 2017/2018 - hạt muối bỏ bể trong giai đoạn no nê danh hiệu của Chelsea dưới thời ông chủ Roman Abramovich.
Nếu xét về sự thay đổi mà Conte mang lại cho Chelsea, ông cũng không phải người hùng của thành London. Ngày Conte đến, Chelsea xếp giữa bảng ở Ngoại hạng Anh và không có vé dự Champions League. Ngày ông đi, Chelsea đứng cao hơn, nhưng cũng... không được dự Champions League mùa tới. Báo giới Anh mô tả mùa giải của đội chủ sân Stamford Bridge là "hỗn loạn" với cuộc chiến thượng tầng, khủng hoảng phong độ và sự suy giảm niềm tin ngay từ mùa hè trước.
Trong cơn hỗn mang, chức vô địch FA Cup không nói lên nhiều điều.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên từng ấy lý do để Chelsea xử tệ với Conte thì thật bất công. Một thông báo chia tay HLV gói gọn trong vỏn vẹn 61 từ và không có lấy một lời cảm ơn, không dễ tìm được đội bóng nào khác nói lời tạm biệt HLV theo cách nhạt nhẽo và hời hợt hơn như thế.
"Trong khoảng thời gian làm việc của Antonio (Conte), ông đã cùng Chelsea giành được chức vô địch Ngoại hạng Anh thứ 6 và chức vô địch FA Cup thứ 8 trong lịch sử. Chelsea đã thiết lập được 2 kỷ lục mới, đó là 13 chiến thắng liên tiếp cùng 30 chiến thắng tổng cộng trong một mùa giải Ngoại hạng Anh. Chúng tôi mong Antonio sẽ luôn thành công trong sự nghiệp huấn luyện".
David Moyes dù thất bại cùng Manchester United, cũng nhận được dòng thông báo chia tay đội bóng tận tâm hơn thế này.
2. Mối quan hệ bất ổn giữa Conte và Chelsea đã manh nha từ mùa hè trước từ hai sự việc. Đầu tiên, cả đội Chelsea náo loạn khi Diego Costa "tố" Conte đuổi mình bằng tin nhắn điện thoại. Thực tế, Costa đã muốn đi từ giai đoạn mùa đông khi nhận được lời mời chuyển nhượng từ Trung Quốc. Chân sút người Tây Ban Nha bị Conte trừng phạt với một trận đấu phải ngồi dự bị, song cách cựu HLV Juventus đẩy Conte đi vẫn khiến các cầu thủ cùng ban lãnh đạo Chelsea bị sốc.
Uy tín của Conte giảm đi nhiều trong mắt đội bóng, dẫn đến sự việc thứ hai. Chiến lược gia người Italia được Chelsea mời ký vào bản hợp đồng mới (như lời hứa khi Conte giúp Chelsea vô địch Ngoại hạng Anh), song thời hạn giao kèo giữa đôi bên vẫn giữ nguyên. Thứ duy nhất thay đổi trong hợp đồng của Conte với Chelsea là... mức lương. Tai họa được gieo mầm từ ấy, khi ban lãnh đạo Chelsea bắt đầu đổ vỡ niềm tin với khả năng thành công của Conte.
"Chuỗi domino" đổ sập ngay từ kỳ chuyển nhượng, ở thời điểm Chelsea chỉ mang về những cầu thủ với chất lượng bằng một nửa so với nhân sự mà Conte yêu cầu. Muốn Romelu Lukaku, có ngay Alvaro Morata. Muốn giữ chân Nemanja Matic, được luôn Tiemoue Bakayoko. Muốn một tiền vệ trung tâm đẳng cấp, nhận về cầu thủ hạng hai cỡ Danny Drinkwater và Ross Barkley.
Nhìn các tân binh Chelsea thi đấu, Conte cứ ngỡ mình... bị lừa. Đội hình bị tàn phá, song nhiệm vụ của ông nặng nề gấp đôi mùa giải đầu tiên khi Chelsea phải chinh chiến ở Champions League.
Bi kịch của Chelsea bắt đầu từ thất bại trước Arsenal trong trận tranh Siêu cúp Anh (Community Shield) trước khi lan rộng đến trận mở màn mùa giải trước Burnley. Chelsea nhận ba thẻ đỏ trong hai trận đấu đó, bằng cả mùa trước cộng lại. Tất cả thẻ đỏ đều vô cùng... khó hiểu. Không có bằng chứng cho rằng các cầu thủ chống đối Conte, nhưng vấn đề ở Chelsea là có thật. Nửa mùa giải yên ả sau đó chỉ như khoảng lặng trước cơn giông, trước khi mọi chuyện vỡ lở ở giai đoạn lượt về.
Chelsea sa sút không phanh, bị loại ở Champions League, thua liên miên ở Ngoại hạng Anh. HLV Conte liên tục ca thán về tình hình lực lượng cùng tham vọng thực sự của Chelsea. Phải thừa nhận, ông nói đúng. Với lực lượng yếu kém và đã mất đi ít nhiều nhuệ khí chiến đấu, Chelsea cần có những bổ sung chất lượng hơn, nhưng điều đấy không bao giờ đến. Bản hợp đồng "đáng xem" nhất của Chelsea chỉ là Olivier Giroud từ Arsenal. Chấm hết.
Song nói đúng cũng là... cái tội. Hiếm có HLV nào công khai chỉ trích "sếp" của mình ngay trước giới truyền thông. Cách hành xử không khéo của Conte là lý do khiến Chelsea "nóng mặt". Ở Juventus, Conte còn hơn cả một HLV. Ông có cái uy cùng mối quan hệ mật thiết với các thành viên đội bóng. Nhưng ở Chelsea, Conte chỉ là người làm công ăn lương không kém.
Chiến lược gia người Italia không lường trước được truyền thống "vô tình" của đội bóng thành London với 10 HLV mất việc trong 11 năm trước đó. Ông phải trả giá, dĩ nhiên rồi.
Video: Trận đấu cuối cùng của Conte với Chelsea
3. Mối quan hệ đổ vỡ của Chelsea và Conte đến từ cả hai phía. Conte có lỗi bởi sự bồng bột, nóng nảy và độc đoán khiến ban lãnh đạo cùng các cầu thủ khó chịu, song trách nhiệm từ phía ban lãnh đạo Chelsea là lớn hơn nhiều.
Sự nuông chiều cầu thủ thái quá từ phía đội bóng khiến Conte gần như không có quyền lực. David Luiz công khai "bật" ông thầy. Willian lấy hình cúp vô địch che mặt Conte trong bức ảnh chụp lễ đăng quang, hay Cesc Fabregas thản nhiên ấn nút "thích" vào một bài đăng hàm ý mỉa mai sự ra đi của Conte trên mạng xã hội.
"Có nhiều cầu thủ muốn Conte ra đi. Tại sao không ai đứng lên bảo vệ ông ấy, tại sao không ai nói rằng ông ấy vẫn là HLV của Chelsea? Có thể vì họ thấy cơ hội đá chính khi Conte phải ra đi" - câu hỏi của Ruud Gullit cũng là thắc mắc chung của các cổ động viên Chelsea. Khi một đội bóng để cầu thủ có quyền... "ngồi lên đầu" HLV, đội bóng ấy không loạn mới lạ!
Ngoài sự bội phản đã trở thành... truyền thống, Chelsea sa thải Conte còn để lấp liếm những sai lầm trong công tác chuyển nhượng. Ban lãnh đạo đội bóng có thể lấy lý do không mua bán mạnh tay vì xây sân, song hãy làm phép tính đơn giản.
Tổng số tiền Chelsea bỏ ra để mua Bakayoko, Morata, Drinkwater, Barkley, Emerson Palmieri, Falcao, Papy Djilobodji là trên 150 triệu bảng. Với số tiền ấy, Liverpool "tậu" được cả bộ tứ Sadio Mane - Mohamed Salah - Roberto Firmino - Virgil van Dijk, Manchester City mua được Kevin de Bruyne, Gabriel Jesus, Raheem Sterling, Manchester United có Romelu Lukaku và Nemanja Matic. Tiền bạc là một phần, quan trọng là Chelsea đã mua cầu thủ bất hợp lý và không hề cân nhắc đến nguyện vọng của Conte. Đến khi thất bại, họ đổ lỗi cho ông.
Cristiano Ronaldo từng dỗi hờn khi Real Madrid không bảo vệ mình trong nghi án trốn thuế, song Ronaldo có thể tự an ủi, bởi anh ít nhất không phải "người cô đơn" đến tận cùng như Conte ở thành London. Không ai đứng về phía Conte, trừ một bộ phận cổ động viên cùng... anh trai của ông.
Không ai ở Chelsea lên tiếng bảo vệ Conte và nói rằng ông xứng đáng được hưởng nhiều hơn, ít nhất là sự đối xử tử tế đáng mặt một đội bóng lớn. Những tin đồn sa thải Conte cứ nối tiếp trên báo. Chẳng biết Conte có mệt mỏi không, nhưng đến người khác còn thấy mệt thay ông.
Tiếc cho sự chuyên nghiệp đến phút chót của Conte. Tin nhắn cuối cùng của HLV người Italia gửi cho các cầu thủ là: "tôi vẫn còn là sếp ở đây". Suốt tháng 6, Conte lên giáo án để cùng Chelsea chuẩn bị mùa giải mới. Nhưng trong những ngày tập luyện đầu tiên, mọi hình ảnh về Conte đều bị Chelsea xóa bỏ.
Thay vì sớm quyết định tương lai, Chelsea kỳ kèo... từng cắc vì không muốn bồi thường cho Conte số tiền ông xứng đáng được hưởng. Và hôm nay, dòng thông báo vô cảm với độ dài 62 từ là sự "tri ân" mà Chelsea dành cho Conte.
Đội bóng thành London rất tàn nhẫn. Nhưng khác với Real - đội bóng bước lên đỉnh cao nhờ sự đào thải và vận dụng không ngừng, sự tàn nhẫn của Chelsea chỉ diễn ra nửa vời. Sao có thể thành công khi còn rất nhiều kẻ nổi loạn vẫn đang ở lại Stamford Bridge như thế?
Bình luận