Nếu như trước đây HT Mobile chuyển đổi từ công nghệ CDMA sang công nghệ e-GSM, toàn bộ khách hàng của họ được gửi sang S-Fone trong thời gian đợi chuyển giao công nghệ, thì nay nhiều khách hàng S-Fone lo lắng nhà mạng sẽ "chăm sóc" mình như thế nào trong lúc đợi triển khai mạng 3G?
Nhiều khách hàng của S-Fone đang băn khoăn và lo lắng khi nhà mạng này được cấp phép chuyển đổi sang công nghệ 3G và đang chờ rót vốn đầu tư để chuyển giao công nghệ.
Vấn đề là họ không biết khi nào S-Fone sẽ chuyển đổi thành công, nhà mạng có huy động đủ tiền để làm việc này hay không, trong thời gian chờ đợi, thuê bao S-Fone sẽ được “chăm sóc” như thế nào khi hiện khoảng cách phát sóng liên tục bị thu hẹp, nhiều cửa hàng, trung tâm chăm sóc khách hàng của S-Fone cũng đóng cửa.
Anh Phan Văn Phúc, chủ thuê bao S-Fone 09571717X cho hay, anh dùng số này đã lâu, nhưng từ năm 2010 tín hiệu sóng bắt đầu rất yếu, nhiều lúc đang nói chuyện chưa được 1 – 2 phút thì rớt sóng. Cho tới đầu năm 2012 thì tại nhiều khu vực ở TP HCM anh không thực hiện cuộc gọi hay nghe máy được vì mất hẳn sóng.
Anh đành phải cất con Samsung F363 (chỉ dùng được sim S-Fone) vào tủ và bỏ tiền mua máy mới, sim mới, chuyển sang mạng khác dùng, mặc dù số thuê bao cũ của anh khá đẹp, lại xài nhiều năm nên chuyển sang số mới gặp không ít phiền phức.
Trong thời gian đợi chuyển giao công nghệ, S-Fone không thể gửi "nhờ" khách hàng của mình cho một nhà mạng nào bởi hiện chỉ có mình S-Fone dùng công nghệ CDMA tại Việt Nam.
Tương tự, nhiều khách hàng S-Fone khác cũng “dở khóc dở cười” mỗi khi sóng chập chờn, nhà mạng thu hẹp dần khoảng cách phát sóng, nhiều nơi mất sóng hoàn toàn.
Thậm chí, khách hàng còn gặp khó khăn trong việc nạp tiền cho tài khoản bởi hiện không còn nhiều đại lý bán thẻ cào S-Fone.
Các chủ thuê bao khi gặp các sự cố, muốn ra trung tâm chăm sóc khách hàng hay liên lạc với tổng đài cũng không dễ khi nhiều trung tâm đã đóng cửa.
Anh Quyền, một chủ thuê bao của S-Fone cho hay, nhiều lần gọi điện cho số tổng đài S-Fone nhưng không ai nhấc máy. Ngày 25/7, phóng viên cũng liên tục gọi tới số tổng đài 095 905 8888 của S-Fone, máy vẫn trả lời tự động bình thường, song khi nhấn số máy lẻ để gặp tổng đài viên thì không ai nghe máy.
Nhiều khách hàng không hề biết chuyện gì đang xảy ra với S-Fone nếu không đọc thông tin trên báo chí về việc S-Fone đang trong thời gian đợi chuyển đổi từ công nghệ CDMA sang công nghệ 3G. Đa số đều lo lắng liệu trong thời gian chờ chuyển đổi, S-Fone sẽ “chăm sóc” khách hàng của mình như thế nào, hay là “bỏ rơi” họ?
Các khách hàng đã dùng S-Fone lâu năm muốn chuyển sang dùng mạng khác cũng gặp không ít thiệt thòi, bất tiện, bởi họ phải mua máy mới, đổi số mới. Hơn nữa thường những ai đã dùng mạng S-Fone thì cả nhà đều dùng, hoặc cả nhóm bạn, vợ chồng, các đôi uyên ương cùng dùng, nên khi đổi tất cả phải đổi.
Ông Tào Đức Thắng, Phó giám đốc Viettel Telecom, cho biết, trước đây, thời điểm năm 2008 HT Mobile được cấp phép chuyển đổi từ công nghệ CDMA sang công nghệ e-GSM thì Hanoi Telecom, đơn vị điều hành mạng HT Mobile đã gửi toàn bộ 200.000 khách hàng của mình sang S-Fone trong thời gian đợi chuyển giao công nghệ, bởi S-Fone cũng là nhà mạng dùng công nghệ CDMA.
Còn hiện nay, thị trường viễn thông di động tại Việt Nam chỉ có duy nhất S-Fone là dùng công nghệ CDMA này, nên khi được cấp phép chuyển sang công nghệ 3G, trong thời gian đợi chuyển giao công nghệ, S-Fone không thể gửi nhờ khách hàng của mình cho một nhà mạng nào bởi không còn mạng viễn thông nào ở Việt Nam dùng công nghệ CDMA.
Trong trường hợp này, họ muốn chuyển sang công nghệ 3G thì hoặc là mạng 3G đã xây dựng xong, hoặc S-Fone phải “bỏ rơi” khách hàng của mình một thời gian đợi đến khi chuyển giao xong công nghệ. Khi công nghệ 3G hoàn thành, S-Fone phải phát cho khách hàng của mình mỗi người 1 cái sim mới để họ kích hoạt mạng mới (vì công nghệ CDMA không dùng sim).
Điều quan trọng hơn, khi chuyển sang công nghệ 3G, các khách hàng S-Fone sẽ phải mua máy mới chứ không dùng lại được máy cũ. Chỉ loại máy nào vừa có BAND 800 của CDMA vừa có BAND 2100 của 3G và có chỗ cắm sim thì mới dùng lại được, nhưng loại máy này rất hiếm ở Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Phạm Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành của S-Telecom, cho biết, hiện nay S-Fone đang triển khai mạng mới đi theo công nghệ 3G, do công nghệ CDMA đã cũ, không còn phù hợp. Quá trình lấy giấy phép chuyển sang công nghệ mới hơi lâu, nên đến cuối năm 2012 và chậm nhất là đầu năm 2013, mạng mới của S-Fone mới có thể triển khai được.
Với các thuê bao S-Fone, công ty vẫn lưu lại dữ liệu toàn bộ khách hàng của mình, khi chuyển sang mạng mới sẽ tiến hành chuyển đổi cho khách hàng. Đối với các khách hàng đã nạp thẻ nhưng không thực hiện cuộc gọi được từ thời điểm đó, hệ thống dữ liệu cũng ghi lại và sẽ tiến hành đền bù sau này.
Đồng thời, chuyển sang mạng mới các khách hàng trung thành cũng sẽ được nhận nhiều ưu đãi. “S-Fone sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, không để khách hàng thiệt thòi”, ông Thịnh nói.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Thịnh cũng cho biết, trong quá trình lên kế hoạch đầu tư mới để trình lên hội đồng quản trị, hoạt động kinh doanh của S-Fone phải bó hẹp lại, khoảng cách phát sóng cũng dần bị thu hẹp và một số trung tâm của S-Fone phải đóng cửa là điều bắt buộc.
Như vậy, có thể hiểu, từ giờ đến lúc triển khai mạng mới, các chủ thuê bao của S-Fone buộc phải chấp nhận tình trạng bị “bỏ rơi”, mất sóng, thậm chí phải ngừng dùng S-Fone một thời gian, bởi nhà mạng này không có nơi nào để "gửi" khách hàng của mình như HT Mobile từng làm trước đây.
Theo Đất Việt
Bình luận