• Zalo

Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ thực tế đang làm lợi cho Nga?

Thế giớiThứ Hai, 21/05/2018 15:48:00 +07:00Google News

Các nhà bình luận chính trị quốc tế cho rằng việc Washington tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tuyên bố trừng phạt các công ty của EU nếu tiếp tục hoạt động thương mại với Tehran vô hình trung đang làm lợi cho Nga.

Các chuyên gia bình luận chính trị quốc tế của tờ HuffPost, có trụ sở tại Washington D.C., Mỹ đưa ra nhận định rằng Nga sẽ tranh thủ làm lợi sau quyết định từ Mỹ. 

“Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 (JCPOA) và việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Tehran đánh dấu sự trở lại  mạnh mẽ của kinh tế châu Âu với Iran. Nhưng giờ đây, đứng trước nguy cơ Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt sau khi rút khỏi JCPOA, nếu các quốc gia EU do dàng buộc với Mỹ sẽ khó tiếp tục duy trì thì đây sẽ là cơ hội cho Nga. Nga có thể thẳng tiến về phía Tehran với tốc độ lớn nhất”, chuyên gia Shahid Ahmed nói. 

''Nga chỉ trích Washington đưa ra quyết định thiếu thận trọng và đe dọa an ninh khu vực với tư cách là một bên trong JCPOA, tuy nhiên chính Nga sẽ được hưởng lợi từ quyết định này của Mỹ'', ông Ahmed tiếp tục. 

trump-putin

 Nga chỉ trích quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ. (Ảnh: CNN)

Nga và Iran thắt chặt mối quan hệ hợp tác kinh tế từ rất lâu trước khi JCPOA được ký kết vào 2015, bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ áp đặt với Tehran. Theo nhà phân tích Igor Delanoe: ''Công ty châu Âu tiếp xúc nhiều hơn với thị trường Mỹ, vì vậy họ phải cố gắng tránh gặp rắc rối. Trong khi đó người Nga ít tiếp xúc hơn và có ít thứ để mất hơn''.

Trong một chuyến thăm đến Tehran mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng cho biết hai nước dự định tiếp tục tất cả các hoạt động hợp tác kinh tế. “Nga muốn bán thép, cơ sở hạ tầng giao thông và những hàng hóa khác cho Iran. Càng ít cạnh tranh từ Mỹ và EU càng tốt.” – nhà phân tích Charlie Robertson cho biết.

Một dấu hiệu tích cực đối với kinh tế Nga sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Các nhà phân tích tại ngân hàng Alfa của Nga nói tình hình căng thẳng hiện tại có thể duy trì giá dầu ở mức cao và là “sự giúp đỡ lớn cho thị trường Nga”.

Bên cạnh đó, quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Donald Trump làm mối quan hệ của Mỹ - EU bị rạn nứt ít nhiều và Nga sẽ không bỏ lỡ cơ hội của mình, theo Huffington Post.

Sự chia rẽ giữa Mỹ và ba đồng minh lớn là Pháp, Đức và Anh xuất hiện ngay sau tuyên bố của ông Trump. Lãnh đạo ba nước này đưa ra tuyên bố chung bày tỏ sự “nuối tiếc và quan ngại”, bất chấp quyết định của Washington ba nước muốn duy trì thỏa thuận với các bên còn lại. 

Khi rút khỏi các cam kết như thỏa thuận Iran và thỏa thuận về biến đổi khí hậu, sẵn sàng chiến tranh thương mại với châu Âu và liên tục hiểu lầm NATO, Mỹ có thể mất đi sự tin tưởng của các đồng mình và đối tác. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin sẽ thể hiện lợi thế rằng không giống như Mỹ, Nga là nước tuân thủ các thỏa thuận quốc tế.  

Video: Ngoại ô thủ đô Syria trúng tên lửa sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn