Lầu Năm Góc đã tiến hành vụ thử tên lửa thứ hai bị cấm trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ đã ký với Nga năm 1987. Tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất này bay hơn 500 km.
Theo hãng tin RT, tên lửa này được phóng đi từ căn cứ không quân Vandenberg ở bang California hôm 12-12, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận trong một tuyên bố nhưng không nêu chi tiết.
“Dữ liệu thu thập được và những bài học rút ra được từ vụ thử này sẽ cung cấp cho sự phát triển khả năng tầm trung trong tương lai của Bộ Quốc phòng”, tuyên bố cho hay.
Trước đó hồi tháng 8, Mỹ tiến hành vụ phóng thử tên lửa hành trình chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận INF hết hạn do Mỹ đơn phương rút khỏi.
Được ký năm 1987 ở giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh, Hiệp ước INF cấm Mỹ và Liên Xô sản xuất các tên lửa có tầm bắn từ 500-5.000 km.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cáo buộc Nga sở hữu tên lửa vi phạm hiệp ước, nhưng Nga phủ nhận. Nga đề nghị NATO thanh sát hệ thống tên lửa bị cáo buộc vi phạm hiệp ước nhưng đề nghị bị phớt lờ.
Trong khi đó, Tổng thống Trump và các cố vấn của ông gọi Hiệp ước INF là “di tích” của Chiến tranh Lạnh và là hiệp ước “lỗi thời” không còn phản ảnh thực tế chiến lược nữa bởi vì hiệp ước không áp dụng với Trung Quốc và các quốc gia khác cũng có khả năng về tên lửa đạn đạo.
Vụ thử tên lửa thứ hai của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thăm Washington và thảo luận về khả năng gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) với Tổng thống Mỹ Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Moscow nói rằng nước này sẵn sàng gia hạn hiệp ước tới 5 năm để hai bên có thời gian đàm phán một một thỏa thuận mới. New START sẽ hết hạn vào tháng 2-2021.
Tuy nhiên, Washington chưa phát đi tín hiệu cho thấy có bất kỳ sự quan tâm nào đối với vấn đề này. Ông Trump đã nói về một thỏa thuận hạt nhân mới tiềm năng sẽ bao gồm Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác, song Mỹ không đưa ra một đề xuất cụ thể nào.
Bình luận