Các quan chức và nhà hoạt động của Liên hợp quốc đã cảnh báo trong nhiều năm rằng toàn bộ bờ biển biển Đỏ đang gặp rủi ro vì tàu chở dầu FSO Safer mắc kẹt trên biển này 5 năm qua có thể bị vỡ hoặc phát nổ, làm tràn lượng dầu gấp 4 lần so với thảm họa tràn dầu Exxon Valdez năm 1989 ngoài khơi Alaska.
Cuộc nội chiến ở Yemen kéo dài từ năm 2014 đến nay đã khiến các hoạt động bảo trì trên tàu Safer bị đình chỉ vào năm 2015. Con tàu được sử dụng để cất giữ và đã neo đậu ngoài khơi Yemen trong hơn 30 năm.
Achim Steiner, quản lý Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - cơ quan điều phối các nỗ lực phức tạp để loại bỏ dầu khỏi con tàu, cho biết: “Đây là thời điểm quan trọng để ngăn chặn một thảm họa có thể xảy ra”.
Các đội cứu hộ đã hoạt động trong 18 ngày tại khu vực xung đột ven biển có nhiều thủy lôi giữa nhiệt độ mùa hè cao và dòng chảy mạnh để dỡ dầu ra khỏi tàu.
Ông Steiner cho biết Liên hợp quốc đã huy động hơn 120 triệu USD cho hoạt động này, trong đó yêu cầu mua một tàu chở dầu thứ hai cho lượng dầu thô được dỡ xuống, đồng thời điều máy bay chờ sẵn để làm tan dầu trong trường hợp tràn dầu. Bên cạnh đó, tổ chức cũng đề ra các chính sách với hơn chục công ty bảo hiểm để bảo lãnh cho hoạt động.
“Thực sự cho đến những phút cuối cùng, chúng tôi đã xem xét đây một hoạt động phải đảm bảo mức độ chuẩn bị sẵn sàng cao nhất để giảm thiểu rủi ro. Kịch bản tốt nhất sẽ là lượng dầu này rời khỏi khu vực hoàn toàn và được bán đi”, ông Steiner cho biết.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, "một thảm họa môi trường và nhân đạo" đã được ngăn chặn và kêu gọi các nhà tài trợ giúp hoàn thành dự án.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ca ngợi Liên hợp quốc và các phía Yemen đã "cùng nhau ngăn chặn thảm họa môi trường, kinh tế và nhân đạo", nói rằng công việc này là một mô hình hợp tác về phòng chống thảm họa quốc tế.
Bình luận