Táo mèo hay còn gọi là táo mèo, bắc sơn tra, nam sơn tra, dã sơn tra vị chua ngọt, tính hơi ấm. Từ lâu được dân gian sử dụng như vị thuốc quý để chữa các bệnh gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, viêm khớp, đau đầu mạn tính, viêm xoang, mất ngủ. Ngoài ra cũng có nhiều người dùng táo mèo để ngâm rượu uống. Vậy, rượu táo mèo có tác dụng gì?
Tổng quan về táo mèo
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, táo mèo được biết tới với nhiều tên gọi khác nhau như táo dại, táo nhám, sơn tra… Đây là dược liệu có tác dụng làm tăng vị giác, kích thích tiêu hóa, hoạt huyết hóa ứ, ích khí bổ thận.
Táo mèo tên khoa học là Zizyphus rugosa Lamk. (Z. oenoplia Mill.), thuộc Họ Táo ta - Rhamnaceae. Bộ phận được dùng làm là thuốc là quả. Quả táo mèo có vị chua, ngọt, tính bình. Quy kinh: Tỳ, Vị.
Gia trị chữa bệnh của táo mèo được ghi chép trong nhiều sách cổ. Theo Tân tu bản thảo, táo mèo là dược liệu vị chua, tính hàn và không độc. Bản thảo cương mục có ghi táo mèo vị chua, ngọt và tính hơi ôn.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay, trong y học cổ truyền táo mèo tác dụng thanh nhiệt, tán huyết ứ, kích thích tiêu hóa; chủ trị, đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, bệnh gan do lạm dụng rượu, giảm mỡ máu, bổ thận.
Rượu táo mèo có tác dụng gì?
Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, nước chiết từ quả táo mèo tác dụng làm tăng enzyme trong dạ dày để hỗ trợ tiêu hóa. Táo mèo còn được cho là giúp bảo vệ tim mạch, hạ huyết áp. Nghiên cứu cũng chỉ ra táo mèo thúc đẩy quá trình bài tiết cholesterol, tác dụng hạ lipid trong máu, đồng thời giảm xơ vữa động mạch.
Hiện táo mèo được sử dụng theo nhiều cách khác nhau và tuỳ thuộc vào từng bài thuốc, thông dụng nhất là sắc lấy nước uống, tán bột làm hoàn, ngâm rượu, nấu thành cao.
Theo ông Sáng, người dân hiện nay thường sử dụng táo mèo ngâm để uống rượu với tác dụng bổ khí huyết.
Tuy nhiên, để rượu táo mèo công dụng làm thuốc cần phải kết hợp thêm với nhiều vị thuốc khác như: Táo mèo chín 50g, đẳng sâm 50g, ba kích thiên 50g, cốt toái bổ 50g, sinh địa 50g, đương qui 50g, xuyên khung 50g, rượu trắng 2 lít. Ngâm rượu, uống 8-12ml/ngày.
Táo mèo rất tốt cho tiêu hoá nên thường được dùng trong các bài thuốc tiêu thực. Trường hợp ăn uống đầy bụng khó tiêu dùng táo mèo khô, sắc uống thay trà trong ngày khi còn ấm, cần duy trì liên tục trong khoảng 2 – 3 ngày để đặt được hiệu quả cao.
Người bị rối loạn mỡ máu dùng táo mèo nấu cháo ăn giúp kiểm soát mỡ máu, do táo mèo có các dược tính giúp thúc đẩy quá trình bài tiết cholesterol. Người bệnh cũng có thể dùng bài thuốc: 10g táo mèo, 10g lá chè tươi, 10g cúc hoa hãm trà uống nước. Mỗi ngày một thang giúp giảm mỡ máu, hạ huyết áp.
Người cao huyết áp, béo phì cũng có thể dùng táo mèo 15g kết hợp với 20g hà diệp hãm lấy nước uống. Bài thuốc đáp ứng tốt với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.
Ngoài là thuốc chữa bệnh táo mèo còn được dùng là thuốc bổ can thận, hoạt huyết. Lương y Sáng cho hay, dùng táo mèo là thuốc bổ thận như sau: 16g táo mèo, 16g sinh đỗ trọng, 16g thảo quyết minh, 62g tiên ngọc mễ tu, 6g hoàng bá cùng 3g sinh đại hoàng. Sắc thuốc uống mỗi ngày một thang.
Vị lương y cũng lưu ý để sử dụng táo mèo trở thành bài thuốc hiệu quả phát huy tác dụng cần có sự tư vấn của người có chuyên môn về y học cổ truyền.
Trên đây là những thông tin giải đáp về táo mèo và rượu táo mèo. Nếu bạn muốn sử dụng rượu táo mèo, hoặc táo mèo dùng làm thuốc cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ y học cổ truyền nhé.
Bình luận