• Zalo

Rùng rợn với hủ tục gom người chết để chôn tập thể ở Gia Lai

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 11/09/2016 06:35:00 +07:00Google News

Thi thể người chết được dồn lại thành đống đến đầy ứ rồi 'bỏ mả'. Hủ tục rùng rợn ở Gia Lai đã từng là nỗi ám ảnh của nhiều người tới nơi này.

Ban đầu, cũng như bao người đồng bào J’ Rai khác tại làng Trang (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) già làng A Ma Thiệu cũng quan niệm hễ ai có ý định thay đổi những phong tục của tổ tiên để lại là có tội với Yàng và sẽ bị trừng phạt.

Thế nhưng, khi tận mắt chứng kiến cảnh con cháu mình đang bị chính những hủ tục đó kìm hãm sự phát triển vị già làng đáng kính đã quyết tâm thay đổi tư duy của bản thân và cũng là thay đổi những người xung quanh mình. 

Nỗi niềm của vị già làng 

Già Thiệu tên khai sinh là Rah Lah Dyel dù đã 60 tuổi nhưng vẫn giữ được nét tráng kiệt, dẻo dai của một người con núi rừng. Cuộc đời già Thiệu gắn chặt với làng Trang, gắn chặt với sứ mệnh gìn giữ bảo tồn nét đẹp văn hóa từ ngàn đời cha ông truyền lại.

Bên ché rượu cần ấm đượm, người thủ lĩnh tinh thần của làng Trang vẻ mặt trầm ngâm nhớ lại lại hành trình gian nan thuyết phục dân làng loại bỏ những hủ tục từ ngàn đời nay.

Làng Trang, xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) là một vùng đất hẻo lánh, nằm nép mình giữa những cánh rừng già thăm thẳm của đại ngàn Tây Nguyên. Cuộc sống người dân bản địa từ bao đời nay dường như vẫn tách biệt với thế giới bên ngoài. 

le_bo_ma_GOOT.jpg

Lễ Bỏ mả ở đồng bào Tây Nguyên 

Tộc người J’ Rai ở Ia Piar vì lẽ đó vẫn giữ lại rất nhiều nếp cũ của ngàn đời cha ông truyền lại. Bên cạnh những nét đẹp truyền thống mang bản sắc riêng, trong cộng đồng người J’ Rai tồn tại những hủ tục lạc hậu, kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của người dân nơi đây.

Người J’ Rai coi Yàng (Trời) là vị thần có quyền năng tối thượng luôn che chở, đem lại sự an lành, ấm lo cho người dân. Với người J’ Rai khi một người chết đi thì có nghĩa là họ được về ở cạnh Yàng, được Yàng che chở và họ sẽ vẫn sống, sinh hoạt, làm ruộng, quây quần như khi còn sống.

Và nơi chôn cất người chết (gọi là khu nhà mồ) cũng được coi là một vùng đất thiêng, là nơi giao thoa giữa cuộc sống hai cõi âm dương, là nơi kết nối giữa thần linh và con người nên tuyệt đối không ai được xâm phạm.

Theo già Thiệu cũng chính vì những quan niệm trên mà nhiều năm qua, học sinh và giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi xã Ia Piar vẫn phải “sống chung” với hàng chục hầm mộ như thế. Những khu nhà mồ “dị biệt” chỉ nằm cách các phòng học của các em học sinh chừng vài mét, khiến việc dạy và học của thầy trò nơi đây bị ảnh hưởng rất nhiều. 

Được biết, khu nhà mồ hình thành từ năm 1963, những hài cốt ở đây đều được chôn cất theo phong tục “sống cùng làng, chôn cùng mồ” của người J’Rai. Nghĩa là, nếu trong làng có người chết, người thân và làng xóm sẽ lấy một chiếc quan tài bằng thân gỗ đã đục sẵn, bỏ người đã khuất vào trong thân gỗ này để chôn.

2_jmmr.jpg

Hình ảnh những dãy lớp học khang trang của ngôi trường 

Sau khi chôn và khỏa lấp người chết xuống lòng đất, nếu trong làng có người chết tiếp theo, thì những người sống lại bới đất, mở nắp chiếc quan tài trên dồn xương người chết trước về một phía, rồi đặt người mới chết vào trong quan tài, không quan tâm đến việc xác người chết trước đã phân hủy hay chưa.

Cứ như vậy, cho đến khi chiếc quan tài đầy xương thì sẽ được người làng làm lễ bỏ mả, thôi thờ cúng và chôn cất trong ngôi nhà mồ này, để chuyển sang  một khu nhà mồ khác.

Ban đầu, già Thiệu cũng như những người đồng bào luôn đinh ninh rằng phải bảo vệ nhà mồ bằng mọi giá. Thế nhưng, một lần tình cờ nghe các thầy cô giáo than thở về sự bất tiện, nguy hại mà khu nhà mồ gây ra cho học sinh trường khiến già Thiệu đã phải suy ngẫm rất nhiều.

Đặc biệt, là sau nhiều lần tận mắt chứng kiến cảnh những em học sinh phải cố gắng ngồi học bên cạnh những nấm mồ của người mới chết mùi hôi thối bối lên nồng nặc. 

Những ngày nắng còn đỡ, chứ mỗi khi mùa mưa đến không chỉ mùi hôi thối mà nguồn nước cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng do những nấm mồ được chôn cất sơ sài rồi lại đào lên lấp xuống liên tục.

Điều này khiến cho không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà sức khỏe của các em cũng bị đưa vào tình trạng báo động nguy hiểm. Và từ đó, tư duy của vị già làng đáng kính đã thay đổi theo hướng rất tích cực…

Đánh cược với Yàng

Sau nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ vị già làng đáng kính A Ma Thiện nảy ra ý tưởng táo bạo di dời nhà mồ ra khỏi khu dân cư để đảm bảo cho thế hệ trẻ làng Trang phát triển bền vững.

Già Thiệu kể: “Ngày tôi đem ra ý kiến khuyên bà con loại bỏ một số hủ tục, người làng kịch liệt phản đối. Trong cuộc họp của buôn, rất nhiều người dân căm giận tôi bỏ về vì nghĩ rằng già làng đã bị kẻ xấu dụ dỗ nên về hại dân làng.

Bà con tin nếu đụng đến vùng đất thiêng sẽ bị Yàng trách tội, trừng phạt. Vì thế, buổi lễ cúng Yàng tổ chức gặp mặt bà con của già Thiệu hoàn toàn đổ vỡ khi nó còn chưa kịp bắt đầu”…

Nhiều ngày sau đó, một số người làng còn căm giận ném đá vào nhà, chửi bởi già Thiệu bởi cho rằng ông bị ma quỷ xui khiến. Nhưng vị già làng không hề nản chí trái lại còn kiên định tin rằng việc làm của mình là đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực với đời sống nhân dân nên sẽ được Yàng ủng hộ.

Để bà con trong làng tin và làm theo mình già Thiệu quyết định sẽ di dời mộ phần của người thân trước. Và việc làm công tác tư tưởng với chính con cháu, họ hàng trong nhà cũng là cả một quá trình gian nan đối với vị già làng. Nhưng bằng sự kiên trì và tự tin của bản thân cuối cùng mọi người trong gia đình đã quyết định liều mình làm theo già Thiệu.

3_ridc.jpg

 Hình ảnh những phòng học xuống cấp vẫn được nhà trường giữ lại.

Ngày gia đình già Thiệu làm lễ bốc mộ để di chuyển rất nhiều người dân trong làng cảm thấy lo sợ, thậm chí họ còn bàn nhau sẽ tập hợp lại để ngăn cản việc chuyển mộ của gia đình già Thiệu. Vì họ sợ là việc làm của gia đình vị già làng không chỉ đem tai họa đến cho mình gia đình ông mà còn gây ra thảm họa cho cả làng.

Nhằm tạo lòng tin trong lòng dân làng cũng là để cho việc di dời mộ của gia đình mình có thể diễn ra thuận lợi già Thiệu đã đưa ra một quyết định có thể nói từ trước đến nay chưa có ai dám làm. Đó là, ông đã dám đứng trước mặt toàn thể bà con dân làng để hứa nếu Yang trách phạt dân làng, ông sẽ chịu tội. 

Nếu những ai không tin vào lời hứa của ông thì ông sẵn sàng mang tất cả của cải trong nhà ra làm tin. Nhà ông đó, của cải gia đình đều ở đây, nếu lỡ Yàng có phạt thì bà con lấy đó ra để làm lễ vật dâng lên Yàng xin Yàng tha tội. Còn nếu sau 1 năm mà Yàng không phạt tội, dân làng phải làm theo gia đình già Thiệu là di dời hết khu nhà mồ này ra nghĩa trang của xã, để các cháu có nơi học hành thanh bình.

Có thể nói là vị già làng đã sẵn sàng mang cả tính mạng, uy tín cùng toàn bộ gia sản của gia đình ra để đánh cược Yàng chỉ với mục đích đem lại những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn cho cuộc sống của buôn làng. Vậy mà, kết quả cuối cùng gần như vẫn không ai chịu tin lời hứa của già Thiệu. Đa phần dân làng đã bỏ về hết, một số người ở lại thì ở lại nhưng là để buông những lời không tốt về việc làm của vị già làng “gàn dở”…

Chứng kiến cảnh tượng đó, già Thiệu có chút buông và chạnh lòng, nhưng ý chí và lòng quyết tâm trong ông thì không hề thuyên giảm.

Thậm chí, nó còn ngày càng mãnh liệt hơn trong ông giúp ông có thêm động lực để tin rằng việc làm của mình là tốt đẹp và cần thiết với dân làng và con cháu đời sau. Vì vậy hôm đó, mặc người làng bỏ hết hết, già Thiệu và con cháu trong nhà vẫn hì hục di dời mồ mả tổ tiên ra khu nghĩa trang mới.

Làng Trang một ngày mới…

Trong suốt thời gian một năm đem bản thân cùng toàn bộ gia sản trong nhà ra để thực hiện lời hứa với dân làng già Thiệu cũng cảm thấy rất lo lắng, đứng ngồi không yên. Không phải ông lo lắng vì cũng tin là việc làm của mình sẽ kinh động đến thần linh và sẽ bị trừng phạt thật.

Mà điều ông lo lắng là trong thời gian này lỡ có chuyện gì không hay xảy ra với gia đình mình hoặc người dân trong làng thì dân làng chắc chắn sẽ nghĩ đó là do Yàng trừng phạt vì gia đình ông dám động đến khu nhà mồ linh thiêng.

Như vậy thì ông không chỉ thành kẻ trắng tay mà còn hại con cháu không có nơi mà ở và đặc biệt là mọi cố gắng của ông từ trước đến giờ đều đổ xuống sông xuống suối cả…

Một năm sống trong lo âu, thấp thỏm khiến vị già làng cảm thấy nó dài như hàng thế kỷ. Rồi cuối cùng thời hạn 1 năm già Thiệu di dời ngôi nhà mả của gia đình đã đến. Thật may là trong suốt năm đó không có bất cứ một tai họa nào từ Yàng giáng xuống làng Trang và gia đình ông.

Già Thiệu và người thân vẫn sống khỏe mạnh, thóc lúa vẫn đầy bồ, bò trong chuồng đã đẻ thêm lứa. Lúc này, vị già làng mới thật sự thở phào nhẹ nhõm..

Cũng từ đây, người làng bắt đầu tin tưởng vào hành động tốt đẹp của vị già làng đáng kính. Không lâu sau đó, bà con đã đồng ý di dời khu nhà mồ ra khỏi trường học. Để mừng ngày vui, ngày đổi mới làng Trang đã mở hội rất to, cả làng mổ con trâu lớn, bình đầy rượu cần, cơm nếp, thịt heo… cùng Yàng cùng hát hò nhảy múa chuẩn bị nghi thức làm “nhà mới” cho tổ tiên và người thân đã khuất.

Trong tiếng nhạc rộn ràng, bên ché rượu, già Thiệu lại một lần nữa đứng dậy dõng dạc nói cho bà con nghe về nhiều hủ tục lạc hậu khác cần được phá bỏ. Già làng bảo nếu làm được đời sống nhân dân sẽ ngày một ấm no, hạnh phúc, thóc trong bồ càng đầy, con trâu trong chuồng thêm lớn, sắn, khoai trên rẫy càng xanh tươi.

Và giờ đây khi lời nói của mình đã được chứng minh thì già Thiệu đã được dân làng tin tưởng tuyệt đối. Họ sẵn sàng nghe và làm theo những lời đúng đắn mà già làng truyền dạy…

Cộng đồng J’Rai có tập tục, khi một người trong làng mất, gia đình nhà đó, ngày nào cũng phải đến nhà mồ đem thức ăn nước uống cho người đã chết, tối đến nói chuyện với linh hồn. Chuyện này được lặp đi lặp lại đến khi gia đình làm lễ Pơ thi, nhanh cũng mất 1 năm lâu có khi nhiều năm trời, rất tổn hại đến sức khỏe, mất nhiều thời gian. 

Giờ dân làng đã tin già Thiệu nên vừa nghe già nói, mọi người đã đồng thanh hứa: “khi đến nghĩa trang mới cũng là lúc tập tục này kết thúc trong làng”. Khu nhà mồ được di dời, thầy cô giáo, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi ai cũng vui mừng, biết ơn già Thiệu. 

Không chỉ, giúp người dân có cái nhìn, cách nghĩ tiến bộ hơn mà già Thiệu còn làm được nhiều việc rất hữu ích nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thân của bà con nơi đây. 

Nhìn ngôi trường nhỏ xiêu vẹo, dột nát, bàn ghế ọp ẹp già Thiệu đau lòng lắm. Cùng ngày hôm đó, già Thiệu đã chủ động lên gặp hiệu trưởng nói sẽ hiến gần 2.000 m2 đất mặt đường trên quốc lộ 25 để nhà trường dựng thêm 2 phòng học tạm và làm sân chơi cho các em học sinh.

Vị già làng và thầy Hiệu trưởng lên xã thông báo tình hình, cùng nhau bàn bạc kế hoạch mở rộng trường. Người làng Trang dưới sự chỉ đạo của già Thiệu lại xúm tay vào làm việc.

Từ nghĩa cử của già Thiệu, nhiều nhà hảo tâm khác đã biết đến ngôi trường vùng sâu còn nhiều khó khăn này giúp đỡ. Cuối năm 2011, ngôi trường này đã nhận được những tình cảm sẻ chia của cộng đồng thông qua Quỹ Khuyến học “Đèn đom đóm”.

Cùng với sự chung sức của chính quyền huyện Phú Thiện, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi được xây mới khang trang hơn, các em học sinh đã có không gian sạch đẹp để vui chơi sau những giờ học căng thẳng. 

Chính nhờ vào lòng thiện tâm cùng sự quyết tâm của già Thiệu mà không chỉ ngôi trường nhỏ đã thay đổi rất nhiều mà  mảnh đất làng Trang đang từng ngày thay gia đổi thịt, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên đáng kể.

Người làng Trang hiểu có được thành quả này là một phần công lao không nhỏ của vị già làng đáng kính A Ma Thiệu. Giờ đây họ không chỉ coi ông là một vị già làng bình thường nữa mà trong lòng họ ông đã trở thành một gia thoại đáng để lưu truyền đến muôn đời sau để con cháu học hỏi, noi theo.

Ông Nguyễn Văn Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi vui vẻ chia sẻ: “Không chỉ góp công xây dựng Trường Nguyễn Trãi, già A Ma Thiệu luôn là người đầu tàu trong việc cùng bà con xây dựng đời sống mới. Ông ấy nhận được sự kính trọng, nể phục từ cán bộ chính quyền cũng như đồng bào người J’Rai bản địa…”. 

Nguồn: Nguyễn Luật - Cao Nguyên(Pháp luật VN)

Bình luận
vtcnews.vn