Trong năm qua, bên cạnh sự phát triển của nền y học nước nhà thì xuất hiện thêm những ca bệnh hiếm gặp lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam khiến những người làm y học phải đau đầu và khiến dư luận xôn xao. Có thể kể đến một số các bệnh sau:
Ca nhiễm trùng roi đầu tiên
Cuối tháng 4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM ghi nhận ca nhiễm trùng roi đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng sốt kéo dài 18 ngày, nhức đầu, ớn lạnh, đau 2 khớp gối.
Các xét nghiệm ban đầu cho thấy bệnh nhân tổn thương gan, thận, giảm 3 dòng tế bào máu ngoại biên và nhiễm trùng nặng. Kết quả phết máu ngoại biên và phết tủy xương soi cho thấy bệnh nhân nhiễm trùng roi Trypanosoma evansi.
Nơi nhiễm ca trùng roi đầu tiên |
Loại trùng roi gây bệnh trên người chỉ từng ghi nhận ở Châu Phi như loài Trypanosoma brucei gây bệnh ngủ. Ở Nam Mỹ, trùng roi Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas.
Người mắc bệnh sẽ bị các biến chứng ở hệ tiêu hóa và tim mạch như phì đại thực quản, đại tràng, bệnh cơ tim, suy tim, thậm chí chết đột ngột do loạn nhịp tim, ngưng tim.
Được biết, trùng roi Trypanosoma evansi thuộc dạng chỉ ký sinh trong máu, chủ yếu ký sinh trên động vật như chuột, ngựa, trâu, bò; rất hiếm khi xuất hiện trên người.
Tuy nhiên, Ngành y tế Việt Nam ghi nhận đây là ca Trypanosoma evansi gây bệnh trên người đầu tiên ở trong nước.
Bệnh hiếm gặp Whitmore
Vào tháng 8/2015 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) xác nhận ca bệnh nhiễm khuẩn whitmore đầu tiên trong năm tại đây là một bệnh nhi 11 tháng tuổi.
Biểu hiện của bé là sốt cao, sưng to tuyến mang tai khiến cha mẹ và bác sĩ tưởng nhầm là bệnh quai bị.
Các chẩn đoán sau đó cho thấy bé mắc bệnh whitmore - một bệnh hiếm gặp, nguy hiểm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh thường gặp trên người có cơ địa bị tiểu đường, bệnh lý thận, nghiện rượu… và được chẩn đoán nhờ xét nghiệm nuôi cấy bệnh phẩm từ máu, đờm, mủ ổ áp xe và nước tiểu.
Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm Whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…
Tuy nhiên, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime) tiêm tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.
Bé gái 5 tháng tuổi đã có kinh nguyệt
Bé gái 5 tháng tuổi đã có kinh nguyệt |
Câu chuyện về em bé 5 tháng tuổi mắc căn bệnh kỳ lạ mới 5 tháng tuổi mà đã có kinh nguyệt nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Cháu bé mắc hiện tượng lạ này là Sùng Thị Dúa sinh năm 2014, trú tại thôn Hoàng Thu Phố A, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Bé xuất hiện kinh nguyệt từ lúc được 5 tháng tuổi. Từ đó đến nay tháng nào bé cũng thấy kinh đều đều như người lớn.
Theo chẩn đoán của các bác sĩ về trường hợp trên thì bé Dúa có thể thuộc trường hợp dậy thì sớm. Dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormone của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (dưới 8 tuổi đối với trẻ gái và dưới 9 tuổi ở trẻ trai). Sự hoạt hóa trung tâm dậy thì gây ra tình trạng kích thích sớm toàn bộ trục hạ đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục.
Ở trẻ gái dấu hiệu có thể là ngực to ra, xuất hiện lông mu hoặc ra huyết âm đạo. Ở trẻ trai xuất hiện lông mu, vỡ giọng, có mụn hoặc cương dương vật hay dương vật lớn hơn so với trẻ cùng tuổi. Để chẩn đoán chính xác, những em bé này cần được bác sĩ khám lâm sàng, đánh giá mức độ dậy thì theo thang điểm tanner, tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị. Đến nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác khiến trẻ dậy thì sớm.
Bệnh cảm tẩu mã
Cuối tháng 10, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân bị cam tẩu mã do vi khuẩn ăn mô người. Ông Nguyễn Văn Thường 75 tuổi ở ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, bị hoại tử vùng thái dương bên phải, mất vành tai phải, liệt một bên mặt, bác sĩ chẩn đoán bị bệnh cam tẩu mã do một loại vi khuẩn ăn mô người gây ra.
Theo Wikipedia, Cam tẩu mã, còn gọi là nha cam tẩu mã, tị cam, thuần cam hoặc hầu cam là chứng viêm miệng hoại thư, bắt đầu ở lợi hoặc ở má, lan rất nhanh ra má, môi, hoại tử phần mềm làm thủng má, môi, mũi, sau đó làm hoại tử xương, răng lung lay rụng dần, có mùi hôi thối. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ có thể trạng rất suy kiệt, thường là sau khi mắc bệnh sởi, thương hàn hoặc một bệnh nhiễm khuẩn nặng khác.
Bệnh này có tỉ lệ tử vong cao. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 500.000 người bị ảnh hưởng, và mỗi năm có 140.000 ca bệnh mới được ghi nhận.
Hội chứng Apert
Đầu tháng 10/2015, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM đã phẫu thuật mổ hộp sọ cho bé 3 tháng tuổi mắc hội chứng Apert - một dị tật sọ mặt hiếm gặp. Bệnh nhi sẽ phải trải qua thêm 4 lần phẫu thuật nữa cho đến năm 10 tuổi mới hoàn tất toàn bộ quá trình điều chỉnh những bất thường ở sọ mặt bao gồm cả mắt, mũi, răng... nhằm trả lại khuôn mặt bình thường cho bé.
Người mắc Apert có những biểu hiện như đầu hình tháp do dính toàn bộ khớp sọ, thiểu sản xương mặt, lồi mắt, hẹp khe mũi sau, dính ngón bàn tay, bàn chân...
Bé gái tiểu ra máu ồ ạt
Đầu tháng 11, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cứu sống bé gái tiểu ra máu ồ ạt cận kề cái chết. Bé gái nhập viện trong tình trạng đi tiểu đỏ toàn dòng kèm máu đông, tiểu gắt và rất đau. Bé gái 7 tuổi được xác định dị dạng mạch máu xâm lấn bàng quang gây đi tiểu ra máu ồ ạt. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp chưa từng được ghi nhận trong y văn thế giới.
Chàng trai tuấn tú bỗng hóa thành ông lão
chàng trai hóa thành ông lão |
Vào tháng 10/2015 nhiều người bỗng bất ngờ vì chàng trai tuấn tú mới 23 tuổi Nguyễn Hiếu Nghĩa, ngụ xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trông không khác gì ông lão do mắc phải chứng bệnh lạ khi da nhăn nheo, các ngón tay, ngón chân to ra theo thời gian.
Chàng trai này đã đến nhiều bệnh viện ở Sài Gòn để điều trị căn bệnh “lạ” nhưng các bác sĩ đều bó tay. Đây là trường hợp lão hóa sớm đầu tiên ở nam giới được ghi nhận tại Việt Nam.
Nguồn: Người đưa tin
Bình luận