Đêm 6/4, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện 2 xe chở gỗ lậu. Theo lời khai của nhóm người này, số gỗ trên xe được khai thác ở rừng thuộc xã Cư Bông (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk).
Ngay sau đó, lực lượng công an vào hiện trường kiểm tra thì phát hiện rừng tại khu vực này bị tàn phá nghiêm trọng.
Điểm rừng bị khai thác trộm do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (Công ty Ea Kar) quản lý.
Tại hiện trường, có 13 cây gỗ đường kính từ 80cm đến hơn 1m bị đốn hạ. Ngoài số gỗ đã được vận chuyển, khối lượng còn tại hiện trường là trên 20m3.
"Hiện lực lượng công an đang mở rộng kiểm tra các khu vực xung quanh, đồng thời trưng cầu giám định mức độ thiệt hại để có cơ sở xử lý" - một cán bộ điều tra nói.
Trước đó, Báo Người Lao Động nhiều lần phản ánh về tình trạng phá rừng, có dấu hiệu buông lỏng quản lý, vi phạm trong khai thác lâm sản xảy ra tại Công ty Ea Kar nhưng đến nay chưa có cán bộ nào của công ty này bị xử lý.
Cụ thể, tháng 8/2018, lâm tặc ngang nhiên san ủi đường, đưa máy móc vào khai thác hàng chục mét khối gỗ trên diện tích chục hecta rừng phòng hộ trong thời gian dài nhưng chủ rừng không biết. Đến nay, Công an huyện Ea Kar cho biết vẫn đang tiếp tục xác minh các sai phạm.
Tháng 4/2018, UBND xã Cư Bông thông báo cho Công ty Ea Kar về việc lâm tặc đang vận chuyển gỗ lậu ra khỏi rừng và đề nghị phối hợp nhưng lực lượng của công ty này không tham gia vì… "say hết". Hai năm qua, tại lâm phần của công ty này quản lý cũng xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn.
Ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty Ea Kar, cho biết công ty đã triển khai nhiều đợt truy quét lâm tặc nhưng lực lượng mỏng, quản lý diện tích lớn nên chỉ sơ hở vài ngày là lâm tặc đã tổ chức phá rừng. "Giờ họ phủ sóng hết rồi. Họ rình mình chứ mình không rình được họ. Họ trang bị cưa máy, mình vừa xuống khỏi rừng là trên đó cưa hạ cây rồi. Thực sự chúng tôi lực bất tòng tâm" - ông Mạnh phân trần.
Ông Mạnh cũng thừa nhận: "Mặc dù tôi đã cố gắng hết sức, có nhiều biện pháp nhưng để xảy ra như vậy đúng ra tôi phải từ chức. Tuy nhiên, tôi là đảng viên nên phải chấp hành chỉ đạo, sau này cơ quan chức năng kỷ luật thế nào thì chịu như thế, không trốn tránh trách nhiệm".
Trách nhiệm ở đâu?
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nói để xảy ra nhiều vụ phá rừng thì các lãnh đạo Công ty Ea Kar phải chịu trách nhiệm chính, phải kiểm điểm đến nơi đến chốn, nghiêm túc chứ không qua loa được. Đối với vụ phá rừng mới đây, có những cây gỗ khai thác cả mấy tháng rồi, có những cây mới khai thác nhưng công ty không phát hiện. Cả mấy tháng trời không tuần tra, kiểm soát tại khu vực mình biết rừng hay bị phá thì trách nhiệm ở đâu?
Bình luận