• Zalo

Rửa mặt bằng lửa và nhảy múa trên dây thừng

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 11/01/2014 12:37:00 +07:00Google News

Ông sải bước tới cái chậu chứa đầy dầu hỏa đang bốc cháy phừng phừng, vục tay vào vã lên mặt, khoan khoái như người ta vục nước suối mát lên rửa vậy…

Đám người xúm đông xúm đỏ quanh một người đàn ông chuẩn bị thực hành một lễ nghi kỳ lạ. Lầm bầm một câu gì đó không nghe rõ trong cửa miệng, xong ông sải bước tới cái chậu chứa đầy dầu hỏa đang bốc cháy phừng phừng, vục tay vào vã lên mặt, khoan khoái như người ta vục nước suối mát lên rửa vậy…


Thầy mo bộ thủy

Ông Hoàng Văn Hiếu ở xóm Chiềng - bố của ông Hoàng Minh Đoan, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ), là một thầy mo nức tiếng vùng Mường trên, vùng Mường dưới.

Có dăm ba loại thầy mo, ông Hiếu là thầy thờ bộ thủy, tức tôn sùng, bái những động vật có nguồn gốc dưới nước như thuồng luồng, cá sấu, thủy tề, trăn, rắn... làm thần. Cả cuộc đời của một thầy mo họ Hoàng này phải kiêng ăn chim cuốc, chim sáo lang, chim chích chòe, chim hút mật, kiêng thịt chó, kiêng chui qua trạm rửa chân dưới sàn nhà (vì e dính vía bẩn).

Hồi còn trẻ, một buổi ông Đoan thấy bố mình hành lễ. Tiếng trống với phèng la lúc khoan, lúc nhặt cộng hưởng với tiếng ống nứa gõ lên mặt gỗ là là bay trên những khóm tre, bụi nứa, vang vọng khắp núi rừng, đậm chất liêu trai. Màn lễ chính bắt đầu. Người ta buộc một sợi dây thừng vào hai cột nhà sao cho võng xuống rồi cùng nhau nhảy múa, những bước chân rung cả sàn nhà.

Cảnh sắc Mường Cúc 

Ngoài mo chính còn có hai mo phụ thờ chung bộ thủy hành lễ theo. Chợt ông Hiếu đu người lên dây thừng rồi trườn bò qua lại từ đầu nhà này đến đầu nhà kia mềm mại chẳng kém gì một con rắn lục bò trên cây giang, cây nứa. Chán trườn bò ông Hiếu nằm hẳn trên sợi dây đung đa đung đưa, thong dong như người ta nằm võng.

Một hồi sau ông mo tiếp đất, tay bấu một chiếc lá từ cây mía đang dựng nơi góc nhà (cây mía trong văn hóa Mường tượng trưng cho chiếc cầu thang cho ma xó leo lên bàn thờ - PV) rồi từ sàn nhà nhún một cái nhảy vọt lên quá giang nhanh như một con sóc, múa may trên đó như đang múa ở chỗ đất bằng.

Đám đông chỉ còn nước há miệng muốn sái quai hàm, chú mục xem muốn rơi cả hai con ngươi xuống đất bởi từ sàn nhà lên tới quá giang cao hơn hai mét. Độ kịch tính chưa dừng lại ở đó mà lại càng tăng thêm theo thời gian, theo những điệu nhạc ảo diệu mỗi lúc một kì dị.

Ông Hiếu đổ chừng một lít dầu hỏa vào trong cái chậu nhôm, quẹt đánh xoẹt que diêm rồi vẩy vào. Cả chậu lửa cháy bùng bùng, mùi dầu hỏa hôi nồng nặc. Đám đông bỗng lặng phắc như tờ, tưởng nghe rõ cả tiếng những lưỡi lửa đang hoan hỉ reo xèo xèo trong không khí. Ông mo đường bệ bước lên phía trước dùng hai tay vốc dầu hỏa lên rửa mặt. Lửa trùm lên má, lên mũi, lên mắt mà ông vẫn khoan thai, điềm tĩnh như người đang ta rửa mặt bằng nước lã vậy…

Lấy tay áo lau lau những ám khói, da mặt ông lại lộ ra, nó chỉ hồng lên đôi chút mà không hề có dấu vết của sự bỏng hay đau đớn. Điều lạ lùng là ông mo Hiếu bình sinh ngoài cầm cái cuốc, cái cày, bám theo đít trâu trên những thửa ruộng cao, ruộng thụt không hề biết đến một miếng, một thế võ nào lận lưng mà tự nhiên lại xuất thần đến thế. Thực chẳng hổ danh là học trò chân truyền của mo Thanh, người được mệnh danh là thầy của mọi thầy mo thờ bộ thủy.

Ngoài người con là đương kim Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thu Cúc, ông Hiếu còn có sáu người con nữa nhưng chẳng một ai chịu kiêng ăn chim cuốc, chim sáo lang, chim chích chòe, chim hút mật, kiêng thịt chó, kiêng chui qua trạm rửa chân dưới sàn nhà để học nghề, nối nghiệp mo của bố. Năm 1994, ông Hiếu mất, tất cả bí mật của một đời mo Mường cùng những tuyệt kỹ thượng thặng khi lên đồng cũng xuống mồ theo.

“Thực ba suất”

Ở Mường Cúc ngoài ông Hoàng Văn Hiếu còn có ông Hà Hổ Thực có biệt tài rất dị dù rằng không phải là một thầy mo thực sự theo đúng nghĩa. Năm nay ông Thực đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn ngày ngày lùa trâu lên rừng, tối tối về nằm ngay trên sàn nứa mà “kéo gỗ”. Hồi còn trẻ ông Thực nổi tiếng có sức khỏe phi thường. Sở hữu một chiều cao ngót mét bảy, một trọng lượng hơn bảy mươi cân, ông ăn uống như hùm beo trút đó.

Trong quân ngũ người ta không gọi là Hà Hổ Thực mà gọi “Thực ba suất” bởi luôn phải dằn bụng ba suất cơm mới tạm gọi là đủ no. Một buổi thi ăn với người ta, Hà Hổ Thực làm cho người xem phải lắc đầu lè lưỡi khi xếp cái bát trống rỗng thứ hai mươi tư bên cạnh chỗ ngồi rồi vuốt bụng đứng lên, khinh khỉnh nhìn địch thủ đang nghẹn xóc óc với bát thứ mười hai.

Chính ông Hoàng Minh Đoan trong một lần uống rượu ở xóm Đồng Tô đã được chứng kiến một chuyện độc nhất vô nhị, độc đến nỗi mà có kể ra nhiều người cũng đoan chắc là phịa chứ làm gì có thật.

Ông Hà Hổ Thực rất thích chụp ảnh với bộ quân phục ngày nào 

Ông Thực đang trong trạng thái nhập đồng, một tay cầm cái giát giường ném vèo qua cửa sổ. Người ta chưa kịp hết ngơ ngác thì hai tay ông cầm vào hai vai của cái giường một đóng bằng gỗ dổi (gỗ dổi nặng và rất chắc - PV) bẻ dập kêu đánh khặc một cái nhẹ như người ta bẻ cái giường bằng vàng mã rồi cũng quăng đánh sầm qua cửa sổ. Mắt ông lúc ấy như mắt của một con thú ăn đêm bắt phải ánh sáng của ngọn đèn, cứ rừng rực lên đến phát hãi.

Cây củi to bằng bắp tay đang cháy liu riu trong bếp được ông cầm phốc lên, đoạn than hồng của nó dài cả gang được ông ăn ngau ngáu ngon lành như một người đang khát vớ được vài khẩu mía tím. Nhai chán, ông chun miệng phun phì phì tàn than ra sàn nhà khiến người xem phải nghiêng người mà né bởi lắm cục vẫn còn lập lòe đỏ, rơi vào phồng da, xém tóc như bỡn.

Bà Hà Thị Lan, vợ ông nhỏ nhẻ giải thích với tôi: “Trước nó thường ngậm than đỏ vào mồm mỗi năm hai đến ba bận. Nó ăn than nóng là để khử chất bẩn trong người đấy”.

Bố của ông Thực là Hà Văn Mỡ, một mo cả (tức mo có uy tín - PV) nổi tiếng trong vùng. Hồi ông Thực còn trẻ, ông Mỡ khuyên con nên nối nghiệp làm mo và đe rằng nếu cứ ăn những thứ bẩn như thịt rắn, thịt chó sau này sẽ phải lấy than hồng ra mà rửa mặt, mà nhai mới khử hết chất độc, chất bẩn.

Lời của mo cả sau này ứng vào số phận của người con thật, có điều ông ăn than mà mồm miệng không hề bị bỏng, ông rửa mặt bằng than mà chẳng để lại một vết thương. Tuy thế, Hà Hổ Thực vẫn nhất định không chịu làm mo. Chẳng biết dăm ba năm nay có phải do đã biết sợ, biết kiêng khem không ăn bẩn nữa hay không nhưng lửa thần không còn hành hạ, còn bắt ông Thực phải bôi than hồng lên mặt, nuốt lửa đỏ vào mồm nữa.

Trong ngôi nhà sàn lúp xúp dưới dăm ba gốc cọ già ở lưng chừng một con dốc, người ta chỉ thấy một ông lão sống hòa thuận, hiền lành với bà con chòm xóm và sở thích chụp ảnh với bộ quân phục ngày nào đã sờn màu, bộ quân phục gắn liền với biệt danh “Thực ba suất” một thủa.


TheoDương Đình Tường(NNVN)
Bình luận
vtcnews.vn