RT dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này vừa thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới RS-28 “Sarmat” từ sân bay vũ trụ Plesetsk vào ngày 20/4.
Kể từ năm 2017 cho đến nay, quân đội Nga đã tiến hành 5 cuộc phóng thử nghiệm tên lửa Sarmat, tất cả đều thành công. Nhiều khả năng trung đoàn tên lửa Sarmat đầu tiên sẽ được Moskva đưa vào biên chế trong năm 2022.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Sarmat là tên lửa đạn đạo liên lục địa uy lực nhất với tầm bắn xa nhất trên thế giới, nó sẽ làm tăng đáng kể sức chiến đấu cho lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Sarmat cũng chính là loại vũ khí chiến lược mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố không nước nào có vũ khí tương tự.
Video: Quân đội Nga thử nghiệm tên lửa đạn đạo Sarmat ngày 20/4
Không thể bị đánh chặn
Đối thủ lớn nhất của Nga là Mỹ hiện có khoảng 5.800 vũ khí hạt nhân, với 3.800 vũ khí được coi là đang hoạt động. Trong kho dự trữ đó có ít nhất 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) LGM-30 Minuteman III.
Minuteman III được đưa vào sử dụng từ năm 1970, có phạm vi hoạt động hơn 6.000 dặm (khoảng 9.600 km) và độ chính xác trong phạm vi 800 feet (khoảng 0,24 km).
Những tên lửa này có thể mang từ một đến ba đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có đương lượng nổ tối đa là 475 kiloton, hiệu suất gây nổ tối đa là 1,425 megaton. Điều đó có nghĩa là mỗi ICBM của Mỹ có thể mang lại khả năng hủy diệt gấp khoảng 95 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.
Tuy nhiên, những tên lửa này vẫn hoàn toàn bị “lép vế” trước ICBM tiên tiến và mạnh nhất của Nga là Sarmat.
Về thông số kỹ thuật Sarmat có tầm bắn gần 18.000 km và mang theo từ 10 -15 đầu đạn đa đầu hướng tiếp cận độc lập (MIRV) có sức công phá 50 megaton. Nói cách khác, Sarmat có khả năng hủy diệt lớn hơn 35 lần so với Minuteman III.
Thậm chí truyền thông Nga còn mô tả Sarmat là thứ vũ khí có khả năng quét sạch một phần của Trái đất có kích thước bằng bang Texas (Mỹ) hoặc bằng diện tích nước Pháp.
Nhà phân tích quân sự Nga Viktor Litovkin giải thích: “So với thế hệ trước, tên lửa RS-28 Sarmat không chỉ nhẹ hơn mà còn đạt tầm bắn xa hơn. Tên lửa Satan đạt tầm bắn 11.000km trong khi RS-28 Sarmat có thể bắn đến hơn 17.000km. Ngoài ra tên lửa đến mục tiêu bằng cách bay qua cực Nam là nơi không ai ngờ tới và không có hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực đó”.
Thượng tướng Viktor Esin, nguyên chỉ huy các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, đã hãnh diện khoe: “Không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào đang hoạt động hay đang phát triển có thể đánh chặn RS-28 Sarmat”.
Ông giải thích RS-28 Sarmat bay đến mục tiêu với vận tốc siêu thanh, thường xuyên đổi hướng và độ cao nên rất khó đánh chặn.
Kế hoạch thử nghiệm và trang bị
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat (ICBM) được phát triển bởi Trung tâm Tên lửa quốc gia JSC Makeyev Design Bureau, tổ hợp công nghệ tên lửa chuyên phát triển các mẫu tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm (SLBM) cho hải quân Nga.
Trong giai đoạn 2017-2018, các cuộc phóng thử nghiệm tên lửa Sarmat đầu tiên đã được thực hiện tại sân bay vũ trụ Plesetsk. Sau đó, Makeyev bắt đầu quá trình tái thiết kế lại Sarmat để tên lửa có thể sẵn sàng cho các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước.
Giữa năm 2021, Tổng giám đốc Nhà máy chế tạo tên lửa Krasmash Alexander Gavrilov cho biết, trong khuôn khổ các đợt thử nghiệm cấp nhà nước, vụ phóng đầu tiên sẽ diễn ra vào quý 3. Tuy nhiên có vẻ kế hoạch này đã bị đẩy lên nhanh hơn thời gian dự kiến cùng với vụ thử nghiệm ngày 20/4/2022, theo đó sẽ có 5 đợt phóng tên lửa Sarmat được sắp xếp cho năm nay
Vài năm qua, nhiều thông tin cho rằng tên lửa Sarmat sẽ sớm được vào trang bị và nhận nhiệm vụ chiến đấu chậm nhất là đầu những năm 2020. Các kế hoạch hiện tại của Bộ Quốc phòng Nga cho năm 2022 cũng tiếp tục khẳng định điều này.
Tháng 12/2021, Tổng Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga, Đại tướng Sergei Karakaev đã nói với tờ Krasnaya Zvezda về những nhiệm vụ đặt ra phía trước. Theo đó đến cuối năm 2022, cần đưa trung đoàn Sarmat đầu tiên vào làm nhiệm vụ chiến đấu như phần của sư đoàn tên lửa Uzhur. Tại thời điểm đó, cơ sở hạ tầng đang được chuẩn bị và các hoạt động cần thiết để thử nghiệm cũng được triển khai.
Theo Đại tướng Karakaev, một số các nhiệm vụ ưu tiên cho năm 2022 là việc lắp đặt 21 bệ phóng với nhiều loại ICBM khác nhau, bao gồm cả tên lửa Sarmat mới.
Theo các chuyên gia, tổ hợp tên lửa Sarmat đang được chế tạo được xem là một sự thay thế đầy hứa hẹn cho các hệ thống R-36M Voevoda đã lỗi thời.
Các báo cáo gần đây cho biết, hệ thống R-36M Voyevoda sẽ bắt đầu ngừng hoạt động theo từng giai đoạn, sớm nhất là vào năm 2022. Một vài năm sau đó, tên lửa R-36M sẽ được rút khỏi biên chế. Đồng thời, quân đội Nga có kế hoạch triển khai các tổ hợp Sarmat mới, và sớm đưa chúng vào trực chiến.
Việc tái trang bị cho Lực lượng Tên lửa Chiến lược cần được tiến hành một cách có hệ thống và nhịp nhàng. Việc ngừng vận hành các tên lửa cũ phải song hành với việc đưa vào sử dụng các sản phẩm mới với số lượng tương đương. Do đó, nếu việc thử nghiệm Sarmat bị trì hoãn có thể dẫn đến sự sai lệch trong các quy trình này, từ đó tác động tiêu cực đến khả năng chiến đấu của Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, dự án chế tạo tổ hợp RS-28 Sarmat sẽ được hoàn thành trong thời gian tới, và sẽ sớm đạt được kết quả mong muốn. Ít có khả năng là lịch trình hoàn thành dự án hiện sẽ thay đổi.
Trong trung hạn, Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga có thể nhận đủ số lượng tên lửa mới theo yêu cầu, và sẽ tham gia thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược trong vài thập kỷ tới.
Bình luận