(VTC News)- Neymar, Oscar của Olympic Brazil, Moussa Konate của Olympic Senegal, Tabarez của Olympic Uruguay... đang đi trên con đường huyền thoại mà các bậc tiền bối từng trải qua. Liệu sân chơi London 2012 có sản sinh ra những tài năng kiệt xuất như đã từng suốt trăm năm qua?
Trong số những tài năng trẻ kể trên, sẽ có nhiều độc giả thắc mắc Konate là ai. Tiền đạo 19 tuổi chính là nhân tố giúp Olympic Senegal cầm hòa chủ nhà Liên hiệp Anh, đả bại Olympic Uruguay trong hai lượt trận đầu tiên vòng bảng bộ môn bóng đá nam London 2012.
Chỉ mất 172 phút, Konate đã "đút túi" ba bàn thắng và vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng các chân sút dội bom tại giải (cùng ba bàn với Jerrry Bentson, người ghi bàn quyết định giúp Honduras tiễn Tây Ban Nha về nước sớm). Không ngạc nhiên khi Konate được tờ báo uy tín Goal.com lựa chọn là cầu thủ hay nhất thế giới tuần qua.
Platini là hiện tượng toàn châu Âu thập niên 1980. |
Liệu Konate có trở thành một Falcao, Romario, Platini... thứ hai? Dưới đây là danh sách các siêu sao bóng đá đi lên từ đấu trường thế vận hội.
London 1948 - GUNNAR NORDAHL (Thụy Điển)
Thụy Điển chỉ một lần duy nhất từng lên ngôi trong lịch sử Olympic. Với bộ ba tấn công siêu hạng Gunnar Gren, Gunnar Nordahl và Nils Liedholm (còn gọi là tam kiệt Gre-No-Li), họ xuất sắc giành HCV bóng đá nam Olympic 1948.
Vua phá lưới Nordahl (7 bàn) nhanh chóng được AC Milan chiêu mộ và làm nên thành tích ăn ba vô tiền khoáng hậu trong màu áo Rossoneri mùa 1950-51. Với 225 bàn/291 trận, ông vẫn là người ghi bàn nhiều thứ hai mọi thời đại tại Serie A. Một kỷ lục khác Nordahl nắm giữ: ghi nhiều bàn nhất trong một mùa (35 bàn).
London 1948 - JOHN HANSEN (Đan Mạch)
Hansen là đồng vua phá lưới London năm đó với Nordahl. Ông góp công lớn vào tấm huy chương đồng của tuyển Đan Mạch (ghi 2 bàn hạ chủ nhà Liên hiệp Anh, ghi 4 bàn hạ Italia)
Một ông lớn khác tại Serie A là Juventus nhanh chóng săn chữ ký của Hansen. Và họ đã không phải hối tiếc với cỗ máy săn bàn hoàn hảo (124 bàn/187 trận).
Helsinki 1952 - SANDOR KOCSIS (Hungary)
Sandor Kocsis (ngoài cùng bên phải) - thủ lĩnh của tuyển Hungary làm mưa làm gió cầu trường thế giới thập niên 1950. |
"Những người Hungary tuyệt diệu" ("The Magnificent Magyars") từng gây nên cơn sốt bóng đá toàn thế giới thập niên 1950. Khởi đầu cho việc thống trị của họ là tấm HCV Olympic năm 1952. Bộ ba thần sầu Ferenc Puskas, Jozef Boszik và "cái đầu vàng" Sandor Kocsis thường xuyên đánh bại các đối thủ các cách biệt 4-5 bàn.
Chỉ trong vòng 5 trận đấu, chân sút trẻ 22 tuổi Sandor Kocsis ghi tới 6 bàn góp vào 20 pha lập công của Olympic Hungary. Bại tướng dưới tay họ gồm toàn tên tuổi lừng danh như Liên hiệp Anh, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ và đương kim vô địch Thụy Điển. Sau giải, Kocsis trở lại CLB Honved, nơi anh ghi 153 bàn/145 trận trước khi giành 2 La Liga cùng Barcelona.
Munich 1972 - OLEG BLOKHIN (Liên-xô cũ)
Ghi năm bàn giúp Liên-xô đoạt HCĐ tại Munich, sự nghiệp của Blokhin thăng tiến chóng mặt. Ông giành Quả bóng Vàng châu Âu ba năm sau đó và được nhận diện như một trong những chân sút "khủng" nhất châu Âu thập niên 1970.
Munich 1972 - FALCAO (Brazil)
Falcao là một trong những tiền vệ được đánh giá hay nhất mọi thời đại. Dù thất bại cùng Olympic Brazil tại Munich 1972 (xếp cuối bảng, kém cả Iran), sự nghiệp của ông không ngừng bay cao. Sau những năm tháng thành công tại Porto, Roma, Falcao là một thành viên nổi bật của đội bóng huyền thoại Brazil 1982.
Những Toninho Cerezo, Zico, Eder, Socrates và Falcao đã biến Brazil 1982 thành đội bóng ấn tượng, mạnh mẽ, hiệu quả và quyến rũ bậc nhất mọi thời đại.
Falcao - một trong những kỹ thuật gia lừng danh của Brazil 1982. |
Montreal 1976 - MICHEL PLATINI (Pháp)
Platini bắt đầu sự nghiệp tại Nancy năm 17 tuổi nhưng phải tới Olympic 1976, ông mới bước ra sân khấu thế giới. Dù dừng bước ở tứ kết trước Tây Đức song người Pháp không phải ưu phiền lâu. Họ đã tìm ra được biểu tượng của mình trong những năm 1980. Platini giành ba Quả bóng Vàng châu Âu liên tiếp 1983-85 đồng thời một tay giúp Pháp vô địch Euro 1984.
Seoul 1988 - ROMARIO (Brazil)
Ghi 7 bàn trong 6 trận, "Quỷ lùn" Romario giúp Olympic Brazil đoạt HCB tại Seoul. Cùng với Bebeto và Mazinho, anh là yếu nhân giúp Selecao đoạt cúp vàng thế giới 1994. Sau khi tung hoàng tại La Liga trong "dream team" Barcelona, Romario trở về quê nhà và chính thức đạt cột mốc ghi 1.000 bàn thắng trong sự nghiệp.
Seoul 1988 - KALUSHA BWALYA (Zambia)
Huyền thoại bóng đá Zambia ghi tới 6 bàn trên đất Hàn Quốc giúp đội nhà dẫn đầu bảng B. Trước khi bị loại bởi Tây Đức, anh và các đồng đội đã kịp vùi dập Italia 4-0 (lập hat-trick). Sau đó một năm, Kalusha chính thức giành danh hiệu cầu thủ châu Phi của năm.
Crespo từng là cầu thủ đắt nhất hành tinh 1999. |
Barcelona 1992 - SAMUEL KUFFOUR (Ghana)
Kuffour trở thành một trong những cầu thủ trẻ nhất từng giành huy chương Olympic (HCB Barcelona 1992 khi mới 15 tuổi). Chung kết Champions League 1999, anh nổi tiếng trong thế hệ Bayern Munich từng hứng chịu bi kịch thua trận trong vòng 100 giây trước Man United.
Atlanta 1996 - HERNAN CRESPO (Argentina)
Argentina là một trong những quốc gia luôn coi trọng sân chơi Olympic. Họ luôn cử hàng loạt danh thủ chơi bóng tại châu Âu tới dự giải. Chân sút nổi tiếng nhất từng tham dự đấu trường này là Hernan Crespo.
Ghi 6 bàn, trung phong của Parma khi đó giúp đội nhà giành HCB Olympic (thua Nigeria). Năm 1999, anh trở thành cầu thủ đắt nhất hành tinh khi Lazio đưa ra mức giá 35 triệu euro với Parma. Sau này, Crespo tiếp tục là tiêu điểm trên TTCN khi ký hợp đồng với Inter Milan (26 triệu euro) và Chelsea (25 triệu euro).
Hoài Thu
Bình luận