• Zalo

Rơi nước mắt với ‘bé gái ma rừng’

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 14/05/2014 03:23:00 +07:00Google News

Bị cho là “ma rừng bắt tội” khiến toàn thân lở loét, hôi hám, bé gái Y Nôn bị chính bố mẹ mang ra bỏ ở rìa làng.

Bị cho là “ma rừng bắt tội” khiến toàn thân lở loét, hôi hám, bé gái Y Nôn (11 tuổi, làng Đăk Sú, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) bị chính bố mẹ mang ra bỏ ở rìa làng. Đến khi cô bé hấp hối, chính quyền địa phương phát hiện và đưa cháu bé đến bệnh viện.


Y Nôn được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa và dần dần hồi phục. Một mắt bị mù, toàn thân thương tích nhưng em vẫn ước ao được đến trường cùng bạn bè…

Mắc bệnh lạ, bé gái bị gia đình vứt bỏ ở rìa làng

Những ngày qua, trường hợp đáng thương của cô bé Y Nôn bị hoại tử toàn thân, da thịt thối rữa lở loét, nhiều ngày nằm thoi thóp khiến các bác sĩ và bệnh nhân tại Bệnh viện Phong – Da liễu T.Ư Quy Hòa khiến mọi người vô cùng xót xa. Bé gái nhập viện trong tình trạng gần như đã chết, da thịt thối rữa. Đã có lúc mọi người lắc đầu chua xót vì cứ nghĩ rằng cháu bé sẽ không qua khỏi.

Chuyện buồn xảy ra vào đầu tháng 12, năm ngoái. Khi đang mạnh khỏe thì da người Y Nôn bỗng nhiên bị mọng nước, bong ra lở loét, hôi hám. Mặc cảm và đau đớn, Y Nôn đành phải nghỉ học. Giáo viên đã báo cho chính quyền, đến ngày 12-12-2013, bé Y Nôn được gia đình đưa đi điều trị tại Trung tâm y tế huyện Kon Plông. Bé được chẩn đoán là viêm da nhiễm trùng toàn thân.

Bé Y Nôn tại phòng hồi sức - cấp cứu 

Ban đầu da bị nhiễm trùng nhưng không được vệ sinh lại không được điều trị thuốc thang nên các bọng nước lan dần khắp cơ thể. May mắn được đến bệnh viện điều trị thế nhưng bất hạnh thay Y Nôn bị một thầy bói trong làng phán là do “ma rừng bắt tội”. Theo ông này thì “Con Y Nôn bị ma rừng bắt tội, ăn hết tim, gan rồi nên không chữa trị được mà phải cúng thôi”. Tin theo lời thầy bói, ngày 24-12-2013, bố mẹ Y Nôn đã đưa con trốn viện về nhà.

Bố mẹ Y Nôn mang con về cúng theo lời thầy bói, các bác sĩ nhận thấy với bệnh tình Y Nôn mà không điều trị thì sẽ dẫn đến tử vong nên đến vận động gia đình đưa Y Nôn trở lại bệnh viện. Tuy nhiên, vì mù quáng nghe lời thầy bói nên bố mẹ Y Nôn kiên quyết chối từ. Cúng mãi vẫn không thuyên giảm, A Hành, Y Đương, bố mẹ Y Nôn, đành đưa con mình ra rìa làng, cách nhà chừng cây số, dựng lều cho em nằm thoi thóp ở đó.

Từ ngày ra rìa làng, Y Nôn nằm thoi thóp một mình, ngày nắng nóng, đêm lạnh lẽo. Anh trai Y Nôn là Ta Ná (13 tuổi) hàng ngày mang cơm ra cho ăn và vệ sinh cho em. Không bạn bè, không người bầu bạn, đêm Y Nôn sống chung với muỗi, ngày chịu cảnh ruồi bu, kiến đốt.

Khi chính quyền xã làm đường giao thông đến đoạn rìa làng thì phát sự việc thương tâm. Lúc này, toàn thân bé Y Nôn lở loét, hôi thối. Sau khi được cho uống sữa, Y Nôn mới dần tỉnh lại và nhận biết xung quanh. Được an ủi và hứa sẽ điều trị bệnh cho mình, Y Nôn nghe thấy vậy đã ứa nước mắt khóc vì vui mừng. Chính quyền xã Đăk Long liên lạc với Trung tâm y tế huyện Kon Plông đưa xe cấp cứu vào 2 lần để đưa Y Nôn đi điều trị nhưng bố mẹ cô bé vẫn mù quáng, một mực giữ con lại.

Một mặt chính quyền cử cán bộ y tế chăm sóc bé Y Nôn tại lều ở rìa làng, mặt khác tiếp tục vận động, thuyết phục vợ chồng A Hành và Y Đương. Kiên trì vận động mãi vẫn không được vì bố mẹ cháu bé vẫn còn băn khoăn vì ở nhà còn việc nương rẫy và 3 đứa con nhỏ (lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi). Chính quyền đành phải hứa sẽ cho cán bộ, đoàn thể vào làng thay vợ chồng A Hành làm ruộng, chăm sóc con để hai vợ chồng an tâm lo cho Y Nôn.

Vợ chồng A Hành nghe vậy mới “ưng bụng” và sáng 19-2, họ đồng ý đưa con gái xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum điều trị.

Chị Y Đương ngồi bên con gái 

Trở về từ cõi chết

Tại BV đa khoa tỉnh Kon Tum, Y Nôn nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Hơi thở thều thào, toàn thân bị tổn thương, bong da từng mảng dày, có chỗ hoại tử ăn sâu, thịt thối rữa. Sau hai ngày chăm sóc theo dõi, bé Y Nôn mới qua khỏi cơn nguy kịch.

Sở Y tế Kon Tum sau đó cũng tham gia hội chuẩn và kết luận rằng bé Y Nôn bị viêm da nhiễm trùng toàn thân, hoại tử cơ mức độ nặng. Bệnh tình của Y Nôn yêu cầu phải được nằm viện chữa trị lâu dài trong khi đó bố mẹ cháu bé chỉ tin theo lời thầy bói và có tâm lý muốn lén đưa con gái về. BV Đa khoa tỉnh Kon Tum quyết định chuyển Y Nôn về BV Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa.

Ngày 21-2, Y Nôn được chuyển đến Quy Nhơn nhập viện trong tình trạng gần như đã tử vong. Trước một ca bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ giỏi của bệnh viện đã tích cực tham gia cứu chữa.

Đến ngày 28-2, Y Nôn đã có nhiều dấu hiệu hồi phục. Nhịp tim, huyết áp và thần kinh bệnh nhân đã ổn định. Lớp da đã khô ráo hơn, tình trạng nhiễm trùng đã không còn. Việc ăn uống, đi vệ sinh của Y Nôn cũng khá hơn.

Những ngày tiếp theo, các BS, y tá, điều dưỡng sẽ tiếp tục tập cho Y Nôn các chức năng vận động, co duỗi chân tay. Y Nôn dần cử động nhẹ được tay chân dù bé khá đau đớn. Vì tay chân cô bé vốn đã bị co quắp nên phải một thời gian dài nữa mới có thể khôi phục được chức năng vận động.

Theo các BS, bé Y Nôn mặc dù đã qua cơn nguy kịch nhưng điều đáng buồn là mắt phải của em đã bị mù do viêm loét giác mạc, mắt còn lại cũng chỉ nhìn được mờ mờ. Ngay cả khi ngủ Y Nôn cũng không thể nhắm mắt, phải được đắp gạc vô trùng lên để bảo vệ. Phòng Hồi sức- Cấp cứu được đảm bảo vô khuẩn, chiếc giường của cháu được đặt trong góc phòng và có thiết bị che chắn, đảm bảo vệ sinh và yên tĩnh.

Trên giường bệnh nhỏ, Y Nôn nằm lọt thỏm giữa những tấm chăn vì thân hình bé nhỏ lại quá gầy yếu chỉ còn da bọc xương. Toàn thân cô bé chi chít những vết lở loét lớn bé, những vết thương khô lại từng mảng đen như bị bỏng.

Nằm bất động nhiều ngày khiến thân người em ê ẩm, mỗi lần cử động người để các bác sĩ vệ sinh, xoa thuốc cũng khiến em rên lên vì đau đớn. Dẫu vậy cô bé vẫn gắng gượng chịu đựng vì biết các bác sĩ, điều dưỡng đang cứu chữa cho mình. Ánh mắt em đờ đẫn ánh lên niềm vui mỗi khi được hỏi han, trò chuyện.

Anh A Hành ngồi buồn rầu ngoài cửa phòng bệnh 

Chỉ vì mê tín

Khi phải nghỉ học vì bệnh lạ thì cũng là lúc Y Nôn đang học lớp 5. Khi được hỏi cháu có muốn tiếp tục đến trường đi học lại không, bé gái nhấp môi nói tiếng “dạ”. Tâm sự về chuyện ăn uống của Y Nôn, chị Y Đương cho biết vì vợ chồng không có tiền nên chỉ có thể dựa vào bệnh viện. Vậy nên khi nghe con gái nói muốn uống sữa, người mẹ này buồn lặng lẽ.

Hai vợ chồng A Hành, Y Đương lấy nhau nay đã được 15 năm và có 4 đứa con. Anh chị quần quật trên nương rẫy quanh năm mà vẫn không đủ gạo ăn cho 6 miệng ăn nên việc chữa trị cho Y Nôn là một gánh nặng không thể kham nổi.

Anh A Hành buồn rầu: “Nhà mình ít ruộng ít nương thôi, hai vợ chồng làm không đủ gạo ăn, phải vừa đi mua, vừa được nhà nước hỗ trợ nữa. Con gái được bác sĩ chữa bệnh mình cũng ưng bụng nhưng cũng lo cho 3 đứa con ở nhà. Mình phải nhờ bà nội hơn 60 tuổi lo cơm nước cho các con khi vợ chồng xuống bệnh viện”.

Tâm sự về chuyện hắt hủi con ra rìa làng người mẹ hối hận: “Lúc đó mình nghĩ phải cúng thì con gái mới khỏi bệnh được, vì ai đã bị ma rừng bắt tội thì phải mời thầy cúng về để cứu chữa. Cúng rồi mà con gái vẫn không hết bệnh nên mình nghĩ cháu bị ma rằng ăn hết tim gan rồi, chỉ có nước chết thôi. Ai cũng nghĩ nó là ma rừng rồi nên xa lánh, mình không muốn làm hại đến buôn làng nên đành phải đưa cháu ra khỏi nhà”.

Suốt những ngày qua vợ chồng A Hành luân phiên túc trực bên giường bệnh chăm con. Nhìn con được cứu sống và vết thương mỗi ngày một bớt, chị Y Đương bớt đi lo âu và hối hận. Có lẽ khi đưa con gái ra rìa làng thì người mẹ này đã bất lực bởi nghĩ con gái mình nhất định sẽ chết.


TheoPhong Nguyên(GĐ&CS)
Bình luận
vtcnews.vn