Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra con số 90% công nhân trong 1 nhà máy ở Bình Dương bị thay thể bằng robot. Nghiên cứu cũng đưa ra dự báo rằng trong 2 thập niên tới, 56% lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot.
Cụ thể, trong ngành dệt máy- da giày ILO dự báo sẽ có 86% người lao động Việt Nam và 3/4 lao động trong ngành điện - điện tử có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa.
Con số giật mình được đưa ra là có tới 90% công nhân tại một nhà máy ở Bình Dương đã phải nghỉ việc, với lý do là vì nhiều dây chuyền sản xuất chỉ cần vỏn vẹn 5 robot vận hành.
Trung bình cứ mỗi tiếng, 1 robot này vận hành sẽ cho ra 500 sản phẩm, với độ chính xác lên đến từng milimet. Điều quan trọng là robot không bị ảnh hưởng bởi tâm lý như con người, chúng không mệt, không đói, không vướng bận gia đình, cho nên năng suất luôn được giữ vững. Do đó, các sản phẩm được làm ra không chỉ được đảm bảo về chất lượng mà còn ổn định về số lượng.
Câu chuyện “robot cướp việc” của con người cũng đã xảy ra ở một số nhà máy khác, nhất là trong lĩnh vực lắp ráp ô tô. Tất cả những điều trên đã vẽ lên một thực tại đáng ngại: Các lao động của Việt Nam, phần lớn là lao động giá rẻ trình độ thấp, chưa đáp ứng được các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao đang dần dần bị mất việc bởi robot và công nghệ.
Hiện tại, 3 trong số 10 công ty có nhiều nhân viên nhất thế giới là Foxconn, Walmart và bộ quốc phòng Mỹ đang thay thế nhân viên bằng robot.
Trao đổi với PV về vấn đề này, GS. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho biết, hiện tượng như nêu trên diễn ra ở Bình Dương là rất đáng chú ý, vì nó đã diễn ra ở Bình Dương thì có thể diễn ra ở các xí nghiệp, công ty khác và trên phạm vi lớn hơn.
GS. Lược đánh giá, về mặt khoa học kỹ thuật, đó là sự tiến bộ của công nghệ. Sự phát triển đó là tất yếu, chúng ta không thể đi ngược xu thế được. Khoa học công nghệ mới, đem lại năng suất, hiệu quả cao hơn được áp dụng vào nước ta, đó là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, theo GS. Lược, do nguồn nhân lực nước ta chủ yếu là lao động với tay nghề thấp, việc huy động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng nhằm giải quyết nhu cầu việc làm cho rất đông nhóm người nằm trong độ tuổi lao động. Vì thế, việc máy móc thay thế con người khi chúng ta chưa kịp ứng phó là điều đáng chú ý.
“Việt Nam phải hỗ trợ như thế nào để cho người lao động họ chuyển nghề nghiệp, để họ tìm việc làm khác. Chúng ta phải quy hoạch lại đào tạo nguồn nhân lực để phù hợp và đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời mở mang thêm linh vực kinh doanh, nâng cao tay nghề cho người lao động cũng như hàm lượng chất xám trong lao động sản xuất để không bị đào thải khỏi xu thế chung” – GS đưa ra nhận định.
Theo GS. Lược, lực lượng sản xuất của nước ta phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài, họ đến đầu tư tại nước ta mang theo máy móc thiết bị của họ, họ chỉ sử dụng nhân lực nhưng khi có nguồn lực tốt hơn thay thế chắc chắn họ sẽ thay thế lao động chân tay bằng máy móc với năng suất, hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, một doanh nghiệp nước ngoài nếu vào đầu tư tại nước ta, họ được hưởng rất nhiều những chính sách ưu đãi về thuế và môi trường đầu tư. Song, nếu họ chỉ thuê đất và không sử dụng lao động của ta để giải quyết vấn đề việc làm thì chúng ta cũng phải sửa đổi lại những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cho phù hợp với từng đối tượng.
Video: Robot tuyên bố có thể làm Tổng thống tốt hơn ông Donald Trump
Chủ đầu tư phải có cam kết với chúng ta về tỷ lệ sử dụng lao động tại chỗ, nếu không đáp ứng được thì đồng nghĩa với việc không được hưởng những chính sách ưu đãi.
Ngoài ra, còn có thể áp dụng việc đánh thuế suất cao hơn với các doanh nghiệp không sử dụng lao động tại chỗ.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu về dài thì bản thân người lao động và hệ thống đào tạo của ta phải thay đổi cho phù hợp với xu thế. Không thể đi ngược với xu thế được, bởi đó là quy luật tất yếu.
Bình luận