"Rạp phim, quán nhậu, quán cóc đều được trở lại hoạt động bình thường, nhưng những cơ sở như gym và yoga vẫn đang tạm dừng vì được xem là nơi dễ lây lan dịch COVID-19. Cùng là những nơi công cộng, tụ tập đông người, nhưng một môi trường rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe lại chưa có dấu hiệu mở lại. Thật khó hiểu", Hoàng Duy (24 tuổi, TP.HCM) - một người thường xuyên tập luyện tại các phòng gym chia sẻ với Zing.
Từ ngày 1/3, TP.HCM cho phép mở lại các hoạt động du lịch, giao thông vận tải, đơn vị kinh doanh ăn uống, bảo tàng, di tích lịch sử, thư viện, phòng đọc sách, nơi tập luyện của các đơn vị hoạt động thể dục thể thao. Vũ trường, quán bar, pub, beer club, các cơ sở hoạt động thể thao trong không gian kín (gym, yoga...) tiếp tục đóng cửa.
Cần tiêu chí đánh giá
Các hoạt động không thuộc nhóm trên được mở cửa nhưng phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc các trung tâm hội nghị tiệc cưới, rạp chiếu phim, thẩm mỹ viện, phòng trà, sân khấu kịch... được đón khách trở lại, trên cơ sở đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 1 m, dịch vụ ăn uống không phục vụ quá 30 người cùng lúc.
Nói về vấn đề này, ông Lê Nghĩa, chủ phòng gym HCA (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng quyết định của chính quyền có thể đã xét đến việc các dịch vụ được hoạt động tạo số lượng lớn công ăn việc làm, như ngành F&B ảnh hưởng đến người nông dân, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, dịch vụ logistics... Trong khi đó, ngành gym, yoga không tác động quá lớn đến nhiều ngành nghề khác.
Mặc dù vậy, ông thừa nhận từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020 đến nay, cơ sở gần như không có doanh thu.
"Trước nay chúng tôi hoạt động không quá quan tâm đến vấn đề thương mại, không chú trọng bán dịch vụ PT nên nguồn thu vốn không quá lớn. Nay tình hình chung như thế này, chỉ biết cố gắng duy trì chứ biết làm sao. Tôi đã thương lượng lại với chủ mặt bằng và trò chuyện với nhân viên, mong họ thông cảm", ông trải lòng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Nhựt, tổng quản lý chuỗi phòng tập Vietgym và trung tâm đào tạo huấn luyện viên Vin Yoga (quận 7, TP.HCM), cần có tiêu chí đánh giá mức độ nguy cơ của các ngành, qua đó đưa ra lộ trình mở cửa hợp lý và rõ ràng để tạo nên sự công bằng trong môi trường kinh doanh.
"Nếu lấy lý do phòng gym có nguy cơ lây nhiễm cao do nằm trong không gian kín thì tôi cho là bất hợp lý, vì rạp chiếu phim còn kín hơn", ông nêu quan điểm.
Tương tự, Hoàng Duy cũng bày tỏ sự khó hiểu trước hoàn cảnh đối lập hiện nay của các loại hình dịch vụ.
"Vì sự an toàn cho người dân thì tạm thời đóng cửa là hợp lý, nhưng những nơi như rạp phim cũng là không gian kín, có điều hòa 24/24 mà được mở cửa thì cớ gì phòng gym lại không? Tôi bức xúc không phải vì phòng gym chưa được mở cửa trở lại mà là vì sự phân biệt không rõ ràng về nguy cơ lây nhiễm giữa các mô hình kinh doanh", Hoàng Duy nói.
Chia sẻ với Zing, ông Lê Hồng Nhựt cho rằng đã đến lúc có thể cho phép các phòng gym, yoga diện tích lớn được phục vụ tối đa 20 khách trong cùng thời điểm, đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 1 m để người dân có địa điểm tập luyện, nâng cao sức đề kháng.
Đại diện chuỗi California Fitnesss & Yoga cũng khẳng định: "Chúng tôi vô cùng tôn trọng quyết định của cơ quan chức năng và sẽ thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng mình cung cấp dịch vụ sức khoẻ thiết yếu đến mọi người, giúp tăng cường khả năng phòng chống bệnh tật, giúp mọi người trên cả nước có sức khoẻ tốt hơn".
Mặc dù khẳng định phòng gym, yoga không phải địa điểm duy nhất để người dân tập luyện thể dục thể thao lúc này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) vẫn cho rằng nên có tiêu chí, điều kiện rõ ràng để giải quyết những bức xúc này của người dân.
"Theo tôi, vẫn có thể cho phép phòng gym, yoga, hồ bơi hoạt động với tối đa bao nhiêu người tập cùng lúc, có bộ tiêu chí riêng như với các loại hình kinh doanh khác để tạo sự công bằng, minh bạch, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép tốt hơn", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
"Ngành gym đang rất mong manh"
Quan sát các khách hàng tại HCA, ông Lê Nghĩa cho biết những khách hàng rất mong ngóng đi tập gym hiện nay chủ yếu là những người đam mê thể hình, còn bộ phận tập luyện để nâng cao sức khỏe không quá mặn mà nữa. "Thời gian qua phòng gym cứ mở lại đóng, họ dần chuyển qua chạy bộ bên ngoài hoặc tập luyện trong công viên, tại nhà...", ông nói.
Cũng với nhận định này, ông Lê Hồng Nhựt cho rằng nếu tiếp tục đóng cửa lâu hơn, khách hàng sẽ khó quay lại thói quen tập luyện như trước, bởi thời gian nghỉ hàng tháng trời khiến họ trở nên lười biếng hơn.
Những thời điểm được mở cửa trong năm 2020, số hội viên trung bình chỉ khoảng 250 người, với mức phí từ 300.000-500.000 đồng/tháng. Chuỗi này có triển khai thêm gói tập PT tại nhà, gói tập yoga và đào tạo huấn luyện viên yoga trực tuyến, nhưng những hình thức này chỉ đem về khoảng 3-5% doanh thu thời điểm trước dịch.
Trong khi đó, tổng chi phí cố định, lương thưởng, chế độ chính sách cho nhân viên và hóa đơn điện, nước của mỗi cơ sở vẫn lên đến 250 triệu đồng/tháng. Các chủ mặt bằng hiện chỉ có thể hỗ trợ giảm khoảng 5-10% giá thuê. Dòng tiền của doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Chưa kể, không ít lao động trong ngành đã chuyển đổi qua các công việc khác, việc quay lại làm việc sau này rất khó khăn.
"Ngành gym đang rất mong manh dễ vỡ", ông Lê Hồng Nhựt nhìn nhận.
Đã hơn 1 tháng kể từ khi đóng cửa các phòng gym do đợt COVID-19 thứ 3, ông và đội ngũ điều hành đang tìm kiếm các hình thức kinh doanh khác để trang trải thêm trong khi chờ đợi thị trường hồi phục.
"Thời gian tới chúng tôi sẽ kinh doanh những sản phẩm hỗ trợ sức khỏe phù hợp với lĩnh vực kinh doanh hiện tại, đồng thời tập trung hơn cho mảng đào tạo, nâng cấp huấn luyện viên yoga, hy vọng có thể cầm cự. Chắc chắn dịch sẽ không hết hoàn toàn, thậm chí có kiềm chế được đợt này thì cũng có thể bùng lên trong tương lai, cần những phương án dài hạn để ứng phó", ông chia sẻ.
Như tại chuỗi California Fitnesss & Yoga, doanh nghiệp chú trọng các giải pháp số, qua đó tương tác và phục vụ khách hàng tại các câu lạc bộ lẫn nền tảng trực tuyến.
"Chúng tôi tăng tốc chiến lược được triển khai từ vài năm trước, tăng phạm vi tiếp cận của thương hiệu trên kênh trực tuyến, qua đó có thể tương tác với hội viên khi họ không thể đến câu lạc bộ và đáp ứng nhu cầu của những người mong muốn tập luyện từ xa. Chúng tôi cũng tập trung tạo ra các phương pháp giảm thiểu tiếp xúc so với thông thường, ví dụ hội viên có thể đặt lớp qua mạng hoặc qua ứng dụng", đại diện hệ thống cho biết.
Thậm chí, doanh nghiệp còn cho rằng sức khỏe của tổ chức nên được chú trọng nâng cao trong bối cảnh này. Do đó, họ tập trung củng cố mục tiêu và động lực cho nhân viên, tăng cường đào tạo, thậm chí thăng chức và tăng lương cho nhiều cá nhân, đồng thời tăng tính tự chủ cho những nhân viên làm việc trực tiếp với khách hàng.
Bình luận