Trả lời phỏng vấn chiều 13/9 trong sự kiện đón cúp Ngoại Hạng Anh đến Việt Nam, bầu Hiển bày tỏ: "Với Quang Hải, nếu trong 2,3 năm tới, CLB Manchester City nói riêng và bóng đá Anh nói chung, quan tâm và mời Quang Hải sang thi đấu, chúng tôi rất ủng hộ".
Tuy nhiên kể cả trong trường hợp được một đội bóng Anh quan tâm và CLB Hà Nội tạo điều kiện, Quang Hải cũng rất khó có cơ hội sang chơi bóng ở xứ sương mù do một rào cản rất khắc nghiệt.
Một trong những điều kiện quan trọng mà các CLB Anh phải cân nhắc khi thực hiện một thương vụ chuyển nhượng chính là khả năng được cấp giấy phép lao động của cầu thủ. Đây là một biện pháp sàng lọc để đảm bảo chất lượng nguồn lao động nói chung và trong bóng đá nói riêng từ nước ngoài đến với xứ sương mù.
Rào cản này cũng chính là lý do khiến cựu tuyển thủ Thái Lan Suree Sukha không thể thi đấu cho Manchester City dù được ông Thaksin Shinawatra hậu thuẫn. Khi đó, cựu Thủ tướng Thái Lan là Chủ tịch của Man City và đưa một vài cầu thủ đồng hương gia nhập CLB. Những tài năng trẻ người Thái đến Leicester City trong những năm gần đây cũng vậy, họ chỉ có thể tập luyện chứ không đáp ứng điều kiện để được thi đấu.
LĐBĐ Anh (FA) có cả một quy định về việc cấp giấy phép lao động cho các cầu thủ có quốc tịch ngoài khu vực kinh tế châu Âu (EEA). Theo Chủ tịch FA Greg Dyke thì với quy định này, giải Ngoại Hạng Anh cũng như những giải đấu hạng thấp hơn thuộc hệ thống Football League (từ hạng 2 đến hạng 4) chỉ chào đón những cầu thủ "đã khẳng định được năng lực ở tầm quốc tế" và "có thể đóng góp đáng kể cho bóng đá Anh".
Điều kiện để cầu thủ được cấp giấy phép lao động ở Anh có liên quan trực tiếp đến thứ hạng FIFA của đội tuyển quốc gia. Ngay từ điều kiện này, Quang Hải hay đa số các cầu thủ Đông Nam Á đều không đáp ứng được.
Cụ thể, một cầu thủ sẽ được cấp giấy phép lao động nếu thi đấu đủ số trận nhất định trong 2 năm gần nhất cho một đội tuyển quốc gia nằm trong top 50 của FIFA (30% số trận nếu nằm trong top 10, 45% với top 11-20, 60% với top 21-30 và 75% với top 31-50). Với các cầu thủ U21, thời gian đếm số trận được giảm xuống còn 1 năm nhằm tạo điều kiện cho các CLB chiêu mộ được những tài năng trẻ xuất chúng.
Nếu không đáp ứng được điều kiện trên, cánh cửa đến Ngoại Hạng Anh vẫn chưa khép lại. Hàn Quốc nằm ngoài top 50 của FIFA, nhưng Son Heung Min vẫn được cấp giấy phép lao động ngay sau khi được Tottenham chiêu mộ từ Bayer Leverkusen. FA vẫn để ra những ngoại lệ để những cầu thủ đặc biệt đến từ những nền bóng đá nằm ngoài top 50 FIFA có cơ hội.
Có 5 tiêu chí để xét trường hợp đặc biệt, mỗi tiêu chí tương ứng với 1, 2 hoặc 3 điểm. Đạt đủ 4 điểm, cầu thủ sẽ có cơ hội được cân nhắc cấp giấy phép lao động, nhưng cũng chưa chắc chắn thành công. Các tiêu chí này bao gồm giá trị chuyển nhượng đủ lớn, mức lương đủ lớn (có 2 mức xét tương đương 2 hoặc 3 điểm), thi đấu cho CLB cũ ở hạng cao nhất của hệ thống giải VĐQG, ra sân 30% tổng số thời gian tối đa và CLB cũ phải được đá vòng bảng Europa League, Champions League hoặc Copa Libertadores.
Với những điều kiện ngặt nghèo như vậy, rất khó để một cầu thủ Đông Nam Á được xuất hiện ở giải Ngoại Hạng Anh. Tuy nhiên vẫn có một trường hợp hiếm hoi là thủ môn Neil Etheridge đang khoác áo Cardiff và trước đó là Fulham. Thủ môn người Phillipines được đăng ký thi đấu, thậm chí ra sân và gây ấn tượng, nhờ việc có thêm quốc tịch Anh nên không cần giấy phép lao động.
Đó cũng là một con đường để những cầu thủ đến từ các nền bóng đá ngoài top 50 FIFA có thể đến thi đấu ở Anh. Thay vì xin giấy phép lao động, họ có thể nhập quốc tịch một nước trong khu vực EEA. Cách này được nhiều đội bóng lớn áp dụng, mua cầu thủ về sau đó cho mượn tới các giải đấu như Tây Ban Nha hay Hà Lan và chờ đủ điều kiện trở thành công dân ở các nước này. Dù vậy sau khi Anh tách ra khỏi Liên minh châu Âu, cách lách luật này có thể không còn hiệu quả.
Bình luận