Ngày 11/5, ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xác nhận sự việc trên với PV VTC News.
“Sau khi phát hiện cá thể rắn, chiều nay chúng tôi đã bàn giao lại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) để tiếp tục chăm sóc”, ông Ngọc cho biết thêm.
Trước đó, khoảng 8h30 sáng cùng ngày, trong lúc ra chơi, một số học sinh lớp 7 Trường THCS Kỳ Sơn phát hiện một con rắn lớn bị mắc vào lưới vây xung quanh sân tập thể dục của nhà trường.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, nhóm học sinh này đã báo cáo cho các giáo viên và Ban Giám hiệu. Lợi dụng việc con rắn bị mắc vào lưới, các thầy cô đã nhanh chóng bắt nhốt và trình báo cơ quan chức năng.
Bước đầu xác định, cá thể rắn trên thuộc loại rắn hổ mang chúa, dài hơn 3m, nặng 2,6kg, thân rắn có màu đen.
Hiện Vườn Quốc gia Vũ Quang đang tiếp tục theo dõi, chăm sóc, sau đó tiến hành thả cá thể rắn hổ mang chúa về môi trường tự nhiên.
Rắn hổ mang chúa (tên khoa học Ophiophagus hannah) thường gọi hổ mang vua, là loài rắn độc thuộc họ Elapidae (họ rắn hổ), phân bố chủ yếu trong các vùng rừng rậm trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Loài rắn này đang bị đe dọa do mất môi trường sống và được liệt kê là loài sắp nguy cấp trong sách đỏ IUCN từ năm 2010.
Tại Việt Nam, mọi hành vi liên quan đến săn bắt, buôn bán vận chuyển trái phép rắn hổ mang chúa đều bị khởi tố theo quy định.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, rắn hổ mang chúa là loại cực độc, khi bị rắn cắn, cần băng ép vùng chi bị rắn cắn bằng băng vải hoặc băng tự tạo từ quần áo. Băng tương đối chặt nhưng vẫn sờ thấy mạch đập. Sau đó bất động tay chân bị rắn cắn bằng nẹp cứng (miếng gỗ, tre, bìa cứng...), để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở tay hoặc chân thì để thõng, không tự đi lại hoặc vận động.
Nạn nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, kể cả khi vết cắn không đau, không chảy máu.
Bình luận