Sự việc hy hữu xảy ra ở quận Nam Hải, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Vài ngày trước, vào khoảng chiều tối, cảnh sát quận Nam Hải nhận được điện thoại của người dân, thông báo có một người đàn ông bị rắn hổ mang cắn, xin được giúp đỡ đưa đi cấp cứu.
Nhận được tin báo, cảnh sát quận Hải Nam lập tức cử người đến hiện trường đồng thời thông báo cho bệnh viện gần đó bố trí xe cứu thương đến hỗ trợ. Khi đến nơi, cảnh sát phát hiện bàn chân của nạn nhân họ Lý đã sưng tấy, anh Lý cũng khó thở, dần mất đi ý thức, tình hình nguy kịch.
Biết xe cấp cứu đến thì sẽ trễ, cảnh sát quyết định buộc chặt phần chân của anh Lý và đưa anh lên xe cảnh sát, khẩn trương đến bệnh viện nhân dân số 1 Phật Sơn - nơi có huyết thanh rắn hổ mang để điều trị.
Qua quá trình tìm hiểu, cảnh sát biết được, chiều hôm đó, anh Lý nhìn thấy một con rắn hổ mang đang ẩn mình trong bãi bùn gần đường. Sợ con rắn gây nguy hiểm, anh Lý dùng đá ném vào con rắn.
Thấy rắn hổ mang trúng phải hòn đá nằm im, tưởng rằng nó đã chết, anh Lý bước tới kiểm tra. Không ngờ khi vừa bước tới gần, con rắn hổ mang giả vờ chết lập tức xoay người, lao đến cắn vào bàn chân phải của anh Lý, khiến anh trúng độc ngay.
May mắn, được cảnh sát giúp đỡ, đưa đến bệnh viện kịp thời, sau khi tiêm huyết thanh, tình hình của anh Lý đã ổn định và được xuất viện để hồi phục sức khỏe tại nhà.
Qua chuyện này, cảnh sát nhắc nhở mọi người, hiện tại đang là thời điểm giao mùa hè thu, thời tiết oi bức, hanh khô. Rắn di chuyển ngày càng thường xuyên, là thời điểm dễ tấn công con người nhất. Vậy phòng tránh ra sao? Nếu bị rắn cắn phải làm thế nào?
Thứ nhất, bãi cỏ, khe đá, rừng tre, khe suối hay những nơi ẩm thấp và tối tăm khác là những nơi rất hay bị rắn độc xâm nhập, tránh xa những nơi này càng nhiều càng tốt.
Nếu thực sự gặp rắn, bạn phải lùi lại từ từ và nhớ không gây tiếng động lớn để không làm rắn sợ, di chuyển và tấn công.
Khi bị rắn cắn, không được chạy lung tung, tốt nhất nên chụp ảnh rắn để bác sĩ tham khảo và phán đoán, sau đó gọi ngay cảnh sát và cấp cứu để được giúp đỡ đồng thời báo vị trí chính xác nơi mình gặp nạn. Đừng bỏ lỡ thời gian cứu hộ tốt nhất.
Đặc biệt, khi bị rắn cắn, đừng làm theo cách hút nọc độc bằng miệng trong phim. Khi hút nọc ra ngoài, nếu trong miệng có vết loét hoặc vết xước chảy máu, người hút nọc cũng sẽ trúng độc.
Bình luận