• Zalo

Rải tiền giật cục cuối năm, ngân hàng có tăng nợ xấu?

Kinh tếThứ Sáu, 19/12/2014 11:31:00 +07:00Google News

Ngân hàng rải tiền giật cục cuối năm khiến không ít người nghĩ đến “bóng đen” nợ xấu.

(VTC News) – Ngân hàng rải tiền giật cục cuối năm khiến không ít người nghĩ đến “bóng đen” nợ xấu.

Rải tiền giật cục cuối năm

Đầu năm 2014, doanh nghiệp vẫn “nóng” chuyện khó tiếp cận vốn ngân hàng dù trước đó, Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2014 đạt từ 12% đến 14%. Cụ thể, đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức đối với nền kinh tế tính mới tăng 4,5%.

Từ tháng 9, hệ thống ngân hàng bắt đầu tăng tốc giải ngân. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đến cuối tháng 9, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã đạt xấp xỉ 7%, tăng so với mức 6,87% của 9 tháng năm 2013.

Mức này vẫn còn khá thấp so với kế hoạch nhưng theo Thống đốc Ngân hàng, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12 -14% hoàn toàn có khả năng đạt được. Trong tháng 10, hoạt động cho vay của ngân hàng bất ngờ chững lại. Tính tới 24/10/2014, tăng trưởng tín dụng tăng 7,85%.

tín dụng
Tín dụng tăng mạnh trong mấy tháng cuối năm (Ảnh minh họa)
Tới tháng 11, khách hàng được giải ngân nhiều hơn. Dư nợ tín dụng 11 tháng tăng khoảng 10%, cả năm tăng trên 12%. Như vậy, với động thái rải tiền giật cục cuối năm, hệ thống ngân hàng đang đi rất gần đến đích.

Dù tăng trưởng tín dụng hứa hẹn đạt chỉ tiêu, các ngân hàng vẫn hút khách vay vốn bằng hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất.

Vietcombank triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay vốn tại Vietcombank. Đối tượng là những người vay vốn mua nhà đất, xây sửa nhà, mua ô tô hoặc bổ sung vốn kinh doanh.

Chậm hơn một chút, TPBank triển khai chương trình “Giảm lãi cuối năm – An tâm vay vốn”, cho các khách hàng đang có nhu cầu vay mua nhà, xây sửa nhà; vay mua ô tô; vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo và vay hộ kinh doanh.

Trong thời gian triển khai, khách hàng sẽ được lựa chọn một trong hai mức lãi suất ưu đãi chỉ có 4,5%/năm cố định trong vòng 6 tháng hoặc 8%/năm cố định trong vòng 12 tháng.

Không chịu thua kém, OceanBank triển khai chương trình “Lãi suất tốt nhất 6,99%/năm dành cho doanh nghiệp”. Gói tín dụng của OceanBank có trị giá 1.000 tỷ đồng sẽ kết thúc vào ngày 31/03/2015.

Có tăng nợ xấu?

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét tăng trưởng tín dụng nên được phân bổ đều trong 4 quý. Thủ tướng Chính phủ cũng  đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước dàn đều cho tất cả các quý.

Còn nếu tăng trưởng tín dụng chỉ tập trung trong quý 4 thì hiệu quả thấp vì tín dụng khi đẩy ra cần thời gian tạo ra hiệu ứng trong sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp vay 1 đồng đâu có thể làm ra 2 đồng ngay được. Doanh nghiệp phải đưa đồng vốn đó vào sản xuất, tạo sản phẩm và đưa sản phẩm ra bán thu tiền về.

Cuối năm ngân hàng mới cho vay thì hiệu ứng được chuyển sang năm sau chứ không phải bây giờ. Vì vậy, muốn tăng trưởng tín dụng mang lại hiệu quả thì phải triển khai từ đầu năm.

Tuy nhiên, ông Hiếu nhận xét thêm ở Việt Nam có đặt thù “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Tháng 1 có Tết dương lịch, tháng 2 có Tết Nguyên đán, người dân thường nghỉ ngơi là chính. Đến tháng 3, công việc mới bắt đầu sôi động trở lại.

Như vậy, nền kinh tế đi vào “giấc ngủ” suốt 2 tháng đầu năm và mất 1/6  thời gian một năm. Như vậy rất lãng phí thời gian.

“Vì vậy, tôi đề nghị nên rút ngắn kỳ nghỉ Tết xuống. Cần thúc đẩy sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm” – Ông Hiếu cho biết.

Ngoài độ trễ của hiệu quả sử dụng đồng vốn, việc cấp tập giải ngân cuối năm cũng mang đến không ít rủi ro. Rủi ro lớn nhất chính là nợ xấu.

Theo ông Hiếu, trước áp lực thời gian, chạy chỉ tiêu, không loại trừ có tổ chức tín dụng buông lỏng thẩm định, cho vay dễ dàng hơn. Các đơn vị này rất dễ rơi vào bẫy nợ xấu. Đây là thực tế không chỉ diễn ra tại Việt Nam, ở Mỹ cũng vậy.

Bên cạnh đó, tổng cầu cũng là vấn đề mà các ngân hàng cần quan tâm khi quyết định cho vay. Ông Hiếu phân tích nền kinh tế đang ấm dần nhưng phục hồi mạnh mẽ thì chưa. Điều đó được thể hiện qua rất nhiều doanh nghiệp phá sản và lạm phát thấp.

Lạm phát thấp nghĩa là tổng cầu thấp, hàng tồn kho nhiều, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Và như vậy, vấn đề nợ xấu quay trở lại. Nguy cơ người vay không có khả năng hoàn trả là rất lớn.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn