Tại buổi giải đáp các câu hỏi của thính giả gửi đến hòm thư "Giảm thiểu ô nhiễm - Bảo vệ môi trường và hành động của bạn" trên kênh VOV FM89, chủ đề “Tái chế rác thải cũng là bảo vệ môi trường”, chương trình nhận được câu hỏi của một bạn thính giả có tên Trần Tùng với nội dung:
"Nơi tôi sống ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội, nhiều cơ sở sửa chữa điện tử thải bỏ rác nhiều thiết bị điện tử bừa bãi, điều này có hại hay không? Và ở nước ta đã tái chế được loại rác thải này chưa?"
Để giải đáp câu hỏi này, chương trình đã đưa ra câu trả lời như sau:
"Để sản xuất ra thiết bị linh kiện điện tử cần rất nhiều các nguyên tố như asen, kim loại nặng, đất hiếm, …. Những nguyên liệu này không nhiều, nhưng là căn nguyên gây ra những bệnh hiểm nghèo trong đó có bệnh ung thư. Đặc biệt, tác hại của những nhân tố này có tính chất lâu dài, có thể thẩm thấu và nước sinh hoạt, thấm vào lòng đất. Nếu xử lý theo phương thức đốt thủ công nó sẽ phát thải ra không khí gây ô nhiễm không khí".
Với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, khối lượng sản xuất và tiêu hủy thiết bị điện/điện tử ngày càng tăng, gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng con người. Theo ông Nghiêm Vũ Hải – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, rác thải điện tử ở nước ta chủ yếu mới được tái chế sơ bộ và xuất sang các làng nghề tái chế thủ công ở Trung Quốc. Đến nay, chưa có một tổ chức nào trong nước có khả năng tái chế, thu hồi nguyên liệu gốc chứa trong thành phần của rác thải điện tử.
Bình luận