Tại hội nghị, bộ tài liệu “Hướng dẫn quy trình thực hiện công tác dinh dưỡng tiết chế” đã được giới thiệu rộng rãi đến 500 đại biểu tham dự. NutiFood hân hạnh là đơn vị chính tài trợ tổ chức hội nghị, tài trợ in ấn bộ tài liệu nghiên cứu và 500 phần quà cho đại biểu tham dự. Trong suốt những năm vừa qua, NutiFood cũng vinh dự được đồng hành cùng Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM trong rất nhiều hoạt động dinh dưỡng ý nghĩa.
Hội nghị do PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh Bộ Y Tế chủ trì, với sự tham gia của TS. Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, TS. Friday Nwaigwe – Trưởng phòng Dinh dưỡng, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.
Theo các đại biểu, dinh dưỡng và tiết chế là một trong những nội dung quan trọng của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh nằm viện. Vì thế, xuyên suốt hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá thực trạng hoạt động dinh dưỡng tiết chế trong năm qua, những tiến bộ đã đạt được, nhận định các thách thức trong thực hiện tiêu chí chất lượng dinh dưỡng tiết chế và nuôi con bằng sữa mẹ tại các bệnh viện.
Đến nay, hầu hết các bệnh viện tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành đã thành lập khoa hoặc tổ Dinh dưỡng Tiết chế. Tuy nhiên, hoạt động dinh dưỡng tiết chế vẫn chưa thật sự có chất lượng.
Nguyên nhân là do hoạt động dinh dưỡng tiết chế chưa được quan tâm, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế làm công tác dinh dưỡng tiết chế vẫn còn hạn chế; các tiêu chuẩn đánh giá chưa thống nhất; việc cung cấp suất ăn bệnh lý còn nhiều khó khăn vì nhiều lý do: cơ sở vật chất hạn hẹp, thiếu nguồn nhân lực…, mức chất lượng dinh dưỡng tiết chế của hầu hết các bệnh viện còn thấp; tỷ lệ người bệnh được can thiệp dinh dưỡng còn thấp dẫn đến suy dinh dưỡng phát hiện chậm, tỷ lệ suy dinh dưỡng bệnh viện ở mức cao.
Suy dinh dưỡng ở người bệnh trong thời gian nằm viện rất phổ biến trên thế giới. Tỷ lệ suy dinh dưỡng bệnh viện trung bình trên thế giới 20-40% tùy theo các loại bệnh tật. Theo nghiên cứu năm 2016 tại TP.HCM, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở người bệnh nằm viện là 34.1%. Suy dinh dưỡng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả về sức khỏe khác.
Tài liệu ”Hướng dẫn quy trình thực hiện công tác dinh dưỡng tiết chế” sẽ cung cấp các kiến thức và công cụ chuẩn cho các bệnh viện trong việc thực hành tốt hơn công tác dinh dưỡng tiết chế như phiếu sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng người bệnh tại bệnh viện, phiếu đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em và phụ nữ mang thai nằm viện.
Đặc biệt, hội nghị cũng đã giới thiệu 3 Bộ thực đơn dinh dưỡng chuẩn cho người bệnh nằm viện là người lớn, trẻ em và cho phụ nữ mang thai. Đây là công cụ hữu ích để các bệnh viện thực thi nhiệm vụ trong điều kiện thiếu nhân sự về tiết chế dinh dưỡng.
Đã có 100 thực đơn dinh dưỡng bệnh viện dành cho người trưởng thành, trẻ em và phụ nữ mang thai được các chuyên gia có bề dày kinh nghiệm về dinh dưỡng, quản lý chất lượng, tiết chế và ẩm thực biên soạn dựa trên các hướng dẫn khoa học về dinh dưỡng tiết chế, mô hình dinh dưỡng tiết chế tại một số quốc gia tiên tiến và thực tiễn Việt Nam.
Theo BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp, mục tiêu lớn nhất của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM khi chủ trì nghiên cứu và cho ra đời bộ tài liệu này là đưa được những hướng dẫn về mặt chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến khâu chẩn đoán, đưa ra chỉ định điều trị và sử dụng các phương án điều trị bằng dinh dưỡng cho người bệnh vào trong thực tế.
Người bệnh khi đó sẽ được điều trị bằng dinh dưỡng chứ không phải chỉ được nuôi ăn, mau chóng lành bệnh hơn, rút ngắn thời gian chữa bệnh, giảm nguy cơ bị mắc các biến chứng do việc nằm viện và có chế độ dinh dưỡng không phù hợp, tăng chất lượng cuộc sống, tăng thời gian sống khỏe của người bệnh.
Tín hiệu tốt là sau một thời gian đưa vào áp dụng, chất lượng của phần dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện đã cao lên rất nhiều, hy vọng trong tương lai, bộ tài liệu này sẽ được áp dụng rộng rãi, không chỉ ở bệnh viện mà còn trong cộng đồng xã hội.
Bình luận