Ngày 19/5, kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là ngày lễ Phật Đản, triển lãm 'Bác để tình thương cho chúng con' với 38 bức tranh vẽ Bác Hồ và hoa sen của các họa sỹ từ nền hội họa Đông Dương, hội họa kháng chiến đến hội họa đương đại được giới thiệu tới công chúng.
Những bức tranh được trưng bày trong triển lãm “Bác để tình thương cho chúng con” cùng bức tranh sơn mài khổ lớn “Đạo pháp và dân tộc” đã được ông Hà Huy Thanh triển lãm ngoài trời tại khu vực mặt tiền của Không gian văn hóa Việt, nằm trong khuôn khổ của phố đi bộ Hồ Gươm.
Đây là cách để các tác phẩm được tiếp cận gần nhất với mọi người dân trong dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Bác. Tối hôm qua, các bức tranh này đã được trưng bày tại Nhà hát lớn Hà Nội, đón tiếp nhiều quan khách tới tham quan.
Bức tranh gây chú ý “Đạo pháp và dân tộc” là tác phẩm được xây dựng dựa trên sáng kiến của ông Hà Huy Thanh và được Thượng tọa, TS Thích Thanh Quyết cùng đông đảo cán bộ và tăng ni sinh của học viện Phật Giáo Việt Nam hưởng ứng.
Bức tranh được nữ họa sỹ Ngô Hải Yến cùng nhóm họa sỹ tài năng và tâm huyết thực hiện để chào mừng ngày 19/5 đặc biệt của năm nay cũng là ngày Phật Đản và cũng trùng vào dịp Lễ quốc tế Phật Đản được tổ chức tại Việt Nam.
Cùng với các tác phẩm hội họa vẽ Bác Hồ và Hoa sen, bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” cũng được đưa ra trưng bày ngoài trời, thu hút sự quan tâm của khá đông du khách trong nước và nước ngoài.
Trong buổi trưng bày tối qua tại Nhà hát lớn, bức tranh đã được đặt trang trọng tại phòng khánh tiết.
Các tác phẩm và họa sĩ trong triển lãm tranh đều là những họa nổi tiếng của mỗi thời kỳ, từ Tô Ngọc Vân, Mai Văn Hiến, Phạm Văn Đôn, Trần Chắt, Đinh Quân, Ngô Hải Yến, Lê Đức Tùng.
Ông Hà Huy Thanh cho biết, có những bức tranh vẽ Bác Hồ đặc biệt quý giá, được coi là “bảo vật” của hội họa Việt Nam như bức tranh vẽ Bác của họa sĩ Mai Văn Hiến, vẽ từ năm 1990 đến năm 1991. Tối qua, bức tranh này cũng được treo ở vị trí trang trọng tại Nhà hát lớn.
Cùng với triển lãm, tác giả Hà Huy Thanh cũng ra mắt cuốn sách “Việt Nam Quốc gia của tình thương”. Đây là cuốn sách tiếp theo sau cuốn “Tình thương” tác giả đã ra mắt thành công cách đây hơn 1 năm.
“Việt Nam Quốc gia của tình thương” được tác giả viết về sự thấu hiểu, khám phá bản thân của mỗi người, từ đó có sự thấu hiểu, sẻ chia để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, chân ái hơn.
Ước vọng của tác giả là góp một tiếng nói, chỉ ra cho Việt Nam Cơ hội và thách thức để trở nên thịnh vượng và nhân văn, đồng thời đưa một ánh sáng Phật Pháp để giải quyết vấn đề của thế gian.
Cuốn sách cũng chỉ ra một quy trình để mỗi người trở nên Thịnh vượng- đẳng cấp và nhân văn, cùng đoàn kết, tạo nên sức mạnh vô song để vượt qua thách thức,tận dụng cơ hội và đi đến thành công.
Bình luận