• Zalo

Chuyện chưa biết về cố ngoại và bà ngoại của Bác Hồ

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 06/06/2014 06:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Thời thơ ấu về thăm cố ngoại, Nguyễn Sinh Cung được tiếp cận với các nhà nho, nên sớm ảnh hưởng tinh thần yêu nước thương nòi.

(VTC News) - Thời thơ ấu về thăm cố ngoại, Nguyễn Sinh Cung được tiếp cận với các nhà nho, nên sớm ảnh hưởng tinh thần yêu nước thương nòi.


Tại xóm 5, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên, Nghệ An), có một ngôi nhà cổ, ít người biết đến, vốn là nhà thờ cụ Nguyễn Công Hanh và tú tài Nguyễn Văn Giáp, được xây dựng từ năm 1877.

Ngôi nhà 4 gian, lợp ngói âm dương, xung quanh thưng ván, còn khá nguyên vẹn. Ngôi nhà hiện do anh Nguyễn Xuân Ngân, trông nom, sử dụng.

Trong nhà có bài văn chữ Hán, được khắc trên hai tấm ván gỗ, đặt hai đầu hồi nhà. Văn bản trên tấm gỗ phía Đông có tên: “Nguyễn tộc từ đường ký”. Nội dung ghi chép công đức của cha mẹ và việc các con đóng góp công sức, tiền của xây dựng nhà thờ. Kèm theo bài “ký” là bài “minh” gồm 24 câu thơ có ý khuyên răn con cháu sống có đạo đức, luôn nhớ ơn các bậc sinh thành.

Tác giả của văn bia là tú tài Nguyễn Văn Giáp, con rể cụ Nguyễn Công Hanh.

Cụ tú tài Nguyễn Văn Giáp sinh ngày 14/3/1826, hiệu Minh Mạng thứ 7, tại thôn Chi Nê (xã Thái Lão, tổng Đô Yên, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), nay thuộc thị trấn Hưng Nguyên.

Quê ngoại Bác Hồ 

Ông được gia đình cho học chữ Hán rất sớm. Vì gia đình neo đơn, nên năm 13 tuổi ông đã được gia đình cưới vợ cho. Vợ hơn ông 1 tuổi, là con gái cả của cụ Nguyễn Công Hanh, là gia đình giàu có ở thôn Trung (làng Kẻ Sía, xã Ước Lễ, tổng Thông Lảng, phủ Hưng Nguyên).

3 năm sau ngày cưới, vợ chồng ông Nguyễn Văn Giáp sinh con gái đầu lòng. Gia đình đang hạnh phúc, sum vầy, thì thân mẫu ông đột ngột qua đời, việc học hành của ông trở nên khó khăn.

Năm 21 tuổi, ông mới dự khoa thi đầu và đậu tú tài. Năm 27 tuổi, cha ông lâm bệnh nặng và qua đời, khiến cuộc sống gia đình và việc theo đòi khoa bảng của ông trở nên gian nan gấp bội. Năm 32 tuổi, ông lại dự khoa thi thứ ba, kết quả vẫn dừng lại ở bậc tú tài.

Cuộc sống gia đình chỉ còn trông vào số tiền ít ỏi từ việc dệt vải thuê của vợ. Ông bàn với vợ sử dụng khoản tiền mừng cưới ngày xưa chưa dùng đến, về quê vợ ở làng Kẻ Sía, mua đất dựng nhà, mở lớp dạy chữ để có thêm tiền nuôi con, trang trải dùi mài đèn sách theo đuổi khoa bảng. Sau này, ông tiếp tục dự thi, nhưng kết quả vẫn trượt.

Với tính hiếu học, kiên trì nhẫn nại vượt khó, ông chỉ từ bỏ ước vọng khoa danh khi đã 45 tuổi, qua 5 lần thi cử. Ông tiếp tục làm nghề dạy học. Vì thế, dân làng gọi ông là ông “Tú đụp” (Tú kép). Ông nhận thêm chức hương thôn. Năm 1875 ông làm Đốc biện tổng Thông Lảng.

Đường con cái của vợ chồng ông rất gian nan. Vợ ông trải 11 lần sinh nở, nhưng chỉ nuôi được 2 người con gái, là Nguyễn Thị Nhụy và Nguyễn Thị Hoan. Cả hai chị em đều có tư chất thông minh, siêng năng, khéo léo và đều được cha cho học chữ.

Người con gái lớn Nguyễn Thị Nhụy (còn gọi là Kép), lấy tú tài Hoàng Đường năm 15 tuổi, là con trai người bạn thân của ông Giáp, ở làng Hoàng Trù (Kim Liên, Nam Đàn).

Ngôi nhà cụ Hoàng Đường xây cho vợ chồng con rể Nguyễn Sinh Sắc 

Bà Kép sinh hạ được hai người con, là Hoàng Thị Loan và Hoàng Thị An. Con gái cả Hoàng Thị Loan tròn 15 tuổi được ông bà gả cho Nguyễn Sinh Sắc. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu phó bảng, là thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà thờ cụ tú tài Nguyễn Văn Giáp, cụ ngoại của Bác Hồ tọa lạc trên chính khuôn viên mà cách nay 140 năm vợ chồng cụ tậu được.

Hai người cháu Hoàng Thị Loan và Hoàng Thị An luôn được ông bà ngoại Nguyễn Văn Giáp chăn nom, yêu quý.

Hoàng Thị Loan đẹp người, đẹp nết, giỏi giang nội trợ, thông thạo nghề ươm tơ, dệt vải. Nguyễn Sinh Sắc chăm ngoan, đức độ, bộc lộ nhiều khả năng khác thường.

Không phụ công lao, nuôi dưỡng và dạy dỗ của cha mẹ, ông bà ngoại, đôi vợ chồng trẻ đã tảo tần chăm lo xây dựng gia đình, học hành thi cử đỗ đạt. Họ lần lượt sinh 4 người con, trong đó, có người con vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

Theo lời các cụ ở làng, để tạo điều kiện cho các con sống tự lập, ông bà Hoàng Đường, Nguyễn Thị Nhụy (Kép), đã cắt một khoảnh vườn, dựng lên 3 gian nhà tranh, bên cạnh nhà mình để Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan ở riêng.

Gia đình ông Hoàng Đường và bà Nhụy có phần khấm khá hơn bởi có 3 nguồn thu từ dạy học, dệt vải và 2 mẫu ruộng. Bà Nhụy là người thông minh, tháo vát, xuất phát từ gia đình nho giáo, cha là bậc tú tài, bà một mực vì chồng, vì con và các cháu ngoại, trong đó có Nguyễn Sinh Cung. Từ khi lọt lòng đến tuổi ăn học, bà đều dành nhiều sự thương yêu, chăm sóc, bày vẽ thêm cho các cháu học chữ, điều ăn nết ở để làm người.

Trong ghi chép của Sơn Tùng với tựa đề “O đi thăm Thành”, có đoạn viết: “Ba chị em O Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung đều được mẹ và bà ngoại dạy chữ trước, sau đó cha O mới dạy cho các con học chữ. Năm cậu Thành lên 4 tuổi thì mẹ O đã khai tâm cho cậu ấy, mẹ O vốn được bà ngoại khai tâm rồi mới được cha dạy học tới 15 tuổi thì nghỉ, bà ngoại cũng là một người nhiều chữ”.

Trong lần vào Huế thứ nhất, gia đình Nguyễn Sinh Sắc để lại Nguyễn Thị Thanh cho bà ngoại chăm sóc, dạy dỗ. Sau khi bà Hoàng Thị Loan sinh con thứ 4 lâm bệnh và qua đời, thì cả 4 chị em đều nhờ bà ngoại chăm sóc tại Hoàng Trù.

Mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp 

Lần vào Huế thứ hai, ông Sắc tiếp tục gửi 4 người con cho mẹ chăm sóc. Khi đó, con út Nguyễn Sinh Xin còn ẵm ngửa, thiếu sữa, nên đã qua đời.

Lần vào Huế thứ ba, ông tiếp tục gửi con cho bà ngoại. Khi Nguyễn Sinh Sắc từ quan đi dạy học, con trai Nguyễn Sinh Khiêm cũng được gửi về Hoàng Trù.

Sau khi con gái Hoàng Thị Loan qua đời ở Huế, bà Nguyễn Thị Nhụy (bà Kép), tuy đã lục tuần vẫn phải nén lòng nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ cháu ngoại thay con gái.

Trong khoảng thời gian sống tại Hoàng Trù, cả 3 chị em đều được mẹ và bà ngoại dẫn về làng Kẻ Sía thăm cố ngoại Nguyễn Văn Giáp, được cố ngoại yêu thương, chiều chuộng. Riêng Nguyễn Sinh Cung nhỏ tuổi hơn, nên được đến thăm và sống với cố ngoại nhiều nhất, lâu nhất.

Hồi về thăm cố ngoại, 3 chị em thường được cố ngoại tắm cho ở bể cạn trước nhà. Trước bể có dòng chữ “Thủy bất tài thâm”. Khi lớn lên và cả lúc về già, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh của bác Hồ), mỗi lần về dâng hương ở nhà thờ cố ngoại, cả hai chị em thường ngồi lặng im rất lâu trước bể cạn, như hồi tưởng lại quãng thời thơ ấu nhưng đầy ắp kỷ niệm êm đềm, đầy lòng nhân ái của quê hương cố ngoại tú tài Nguyễn Văn Giáp.

Cũng trong thời thơ ấu về thăm cố ngoại, Nguyễn Sinh Cung được tiếp cận với các nhà nho yêu nước, nên sớm ảnh hưởng tinh thần yêu nước thương nòi, lòng quả cảm, sự căm ghét quan lại, cường hào, bám gót thực dân, bán rẻ dân tộc, Tổ quốc. Đó là khoảng thời gian không dài, nhưng đã góp phần khơi dậy tư tưởng, tâm hồn của một thiếu niên có hoài bão lớn, nhân cách lớn vượt qua giới hạn của lứa tuổi và thời đại.


Hỏa Phong
Bình luận
vtcnews.vn