Ra đường biết đời sống xã hội phát triển thế nào

Thời sựThứ Tư, 09/05/2012 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Đời sống xã hội thế nào thì ra đường sẽ thấy đúng như thế, xã hội lộn xộn, thiếu quy củ thì ra đường cũng thế, chuyên gia kỳ cựu giao thông nói.

(VTC News) - Đời sống xã hội thế nào thì ra đường sẽ thấy đúng như thế, xã hội lộn xộn, thiếu quy củ thì ra đường cũng thế, chuyên gia kỳ cựu giao thông nói.

>> Xem những kiểu giao thông thiếu văn hóa điển hình nhất
>> Giao thông Hà Nội: Như chốn vô luật pháp
>> Xem người Hà Nội đi lại như chốn vô luật pháp

Sau khi đăng tải video Xem những kiểu giao thông thiếu văn hóa điển hình nhất, và bài viết Văn hóa giao thông: Không thể trông chờ tự giáctòa soạn tiếp tục nhận được rất nhiều bình luận của độc giả bày tỏ nỗi bức xúc trước thực trạng giao thông ở Hà Nội - điển hình của văn hóa giao thông Việt Nam hiện nay.

Chúng tôi xin trích đăng một phần ý kiến về vấn đề văn hóa giao thông của PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Đại học Giao thông vận tải.

“Văn hóa của các ngài không được như chúng tôi"

PGS. TS. Nguyễn Quang Toản.
Hiện nay sự hiểu biết và cách ứng xử của người dân nói chung với giao thông có được nâng lên so với trước, nhưng càng ngày khoảng cách giữa trình độ tham gia giao thông với sự phức tạp và nguy hiểm của giao thông càng xa.

Nguyên nhân là do thói quen về ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, đấy là trách nhiệm với mình và với người khách khó thay đổi.

Ý thức trách nhiệm đi chậm hơn một bước so với việc một bộ phân người dân kiếm được tiền để sở hữu phương tiện hiện đại, nên phương tiện tăng nhanh và dễ hơn tăng ý thức.

Văn hóa giao thông và cách ứng xử khi đi trên đường quan trọng ở mọi nước, mọi thời kỳ, tác động đến hiệu quả của luật pháp, của đầu tư xây dưng, của phương tiện giao thông... và quyết định tới chất lượng toàn bộ hoạt động giao thông.

Phần lớn người dân chấp hành tốt, nhưng chỉ cần một bộ phận nhỏ vi phạm cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những xung đột có hại trên đường và gây tai nạn.

Tôi từng có lần hỏi một vị Giáo sư người Đức rằng: “Ông có thấy Luật pháp của chúng tôi có vấn đề gì không mà giao thông của chúng tôi so với Đức lộn xộn thế?”, ông ấy trả lời rằng: “Tôi đã đọc toàn bộ luật của các ngài, luật của các ngài không khác mấy của nước chúng tôi, nhưng giao thông của các ngài lộn xộn vì người và văn hóa của các ngài không được như chúng tôi”.

Trách nhiệm với mình và với cộng đồng là cái quan trọng nhất của văn hóa giao thông, trong Luật Giao thông đều quy định “người tham gia giao thông có trách nhiệm không gây tai nạn cho mình và cho người khách”. Từ đấy thấy rằng cái nhường nhịn trong tham gia giao thông vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi, nhường người khác một ít để không gây tai nạn là bảo vệ mình cũng là trách nhiệm để bảo vệ người khác.

Tất cả vấn đề đời sống xã hội thế nào thì ra đường sẽ thấy đúng như thế, một xã hội lộn xộn, thiếu quy củ thì ra đường cũng thế, và ngược lại; Đất nước giàu có thì hệ thống cầu đường hoàn chỉnh, chất lượng tốt và ngược lại…

Vì nước ta đi lên từ nền sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nên ý thức kỷ luật, ý thức cộng đồng và trách nhiệm với mình, với cộng đồng cũng không cao lắm, nên khi ra đường cũng rất tùy tiện.

Gần một năm sau khi Hà Nội tổ chức phân làn, tình trạng xe máy đi vào làn ô tô còn ô tô đi vào làn xe máy ngày càng phổ biến. 

Chẳng hạn với người đi bộ, chỉ có đơn giản là sang đường đúng nơi quy định, khi có người đi bộ sang đường ở những vị trí vẽ vạch ưu tiên thì phương tiện phải nhường đường cho người đi bộ, nhưng ở mình đâu có làm được như thế, cứ thấy người sang đường là bấm còi inh ỏi để giành đường chứ đâu thấy ai nhường. Còn người đi bộ thì đi lung tung, sang đường bất kể vị trí nào. Không ai chịu nhường ai.

Ngoài ra, Luật sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả nếu người thực thi luật đấy không nghiêm minh. Hiện nay việc thi hành luật của chúng ta đang thiếu điều đấy, trước và nay vẫn có thói quen khi xảy ra tai nạn xe to phải đền xe nhỏ, cái giá trị nhiều đền bù cái ít giá trị hơn.

Thậm chí tôi có cảm giác gần đây chính công an - người thi hành luật pháp đang khuyến khích người dân tự xử lý với nhau khi xảy ra tai nạn, kể cả các vụ tai nạn nghiêm trọng chết nhiều người.

Chủ nghĩa hình thức trong báo cáo tai nạn giao thông sẽ làm tăng việc ưu tiên tự xử lý nội bộ với nhau, vì những vụ tự xử với nhau sẽ không được lập hồ sơ, tai nạn trong sổ sách sẽ giảm, như vậy sẽ tiềm ẩn nguy hiểm rất nhiều, không phản ánh đúng thực tế.

‘Vi phạm là xấu’ hay ‘vi phạm là phạt’?

Việc xây dựng văn hóa giao thông cũng giống như ta chuyển từ nền sản xuất nhỏ sang sản xuất hiện đại, ta không nên chú trọng đến những cái quá to tát, nên chú trọng đến những cái nhỏ, nhưng nếu thực hiện thì phải thành thói quen, thành bản năng ở mọi nơi, mọi lúc, chứ không phải là thấy công an mới làm đúng, còn không có công an là vi phạm.

Ngay như việc thấy người bị nạn thì việc đầu tiên là phải đưa nạn nhân đi cấp cứu, dù ai đúng -  ai sai, đấy là cái ta phải xây dựng.

Việc này phải làm rất kiên trì, mất nhiều thời gian và phải đi vào bản chất của nó. Chúng ta chưa làm cho người dân thấy được “vi phạm là xấu”, mà đang thiên về “vi phạm là phạt”.

Dù có dải phân cách cứng, nhưng nhiều người vẫn lấn sang phần đường giành cho xe đi ngược chiều. 

Không hẳn cứ xử phạt cao là ít vi phạm, mà quan trọng là tính tự giác, người ta thấy vi phạm là hành vi xấu, để việc hành xử đúng là niềm tự hạo, lúc đấy sẽ không vi phạm nữa.

Xây dựng sự tự giác là phải từ phong trào quần chúng, cả xã hội tham gia mới được. Nếu ta cứ nặng việc xử phạt sẽ xảy ra tình trạng xem việc vi phạm là anh hùng, là thế lực, cuối cùng anh chỉ đánh vào một bộ phận không hiểu biết, vì người cố tình vi phạm đáng bị phạt hơn người vô tình sai luật.

Cũng phải nói thêm rằng, thái độ và cách ứng xử của người lớn ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ nhỏ, và nó gần như quyết định hành vi sau này của các cháu.

Tai sao lái xe ô tô ở mình trình độ ứng xử không cao như nước ngoài, nếu không muốn nói là tùy tiện, vì ở nước ngoài từ nhỏ con cái đã ngồi cùng xe với bố mẹ, bố mẹ chúng làm thế nào thì lớn lên chúng cũng làm y nguyên vậy, nó đã ăn vào tiềm thức của chúng, còn ở ta thử hỏi có được bao nhiêu đứa trẻ có được điều đó.

Người lớn tuổi, trưởng thành phải rất gương mẫu mới mong thế hệ sau có tiến bộ được.

Đặc biệt, trước thực trạng chung xã hội hiểu biết về luật còn thấp, thì việc vận dụng luật của nước ngoài vào nước ta cần phải rất cẩn thận, để phù hợp với thực tế trong nước. Ta nên thiên về ngắn gọn, dễ hiểu, dễ dùng, nếu quá rườm ra và quá cao như các nước tiên tiến thì giao thông của chúng ta càng lộn xộn và càng nguy hiểm, tai nạn và ùn tắc giao thông sẽ vẫn là vấn nạn.

PGS. TS. Nguyễn Quang Toản

Bình luận
vtcnews.vn