“Nhái” hàng Việt mới được giá
Dọc theo những “sọt”, quầy bán hoa quả tại các chợ hay vỉa hè, người tiêu dùng sẽ bị hấp dẫn bởi màu vàng óng, màu mỡ đẹp mắt của quýt hoặc cam. Khi được hỏi, một người bán hàng tại chợ Cổ Nhuế niềm nở: “Quýt này là hàng của Thái, còn cam là hàng Việt lấy từ Hà Giang”.
Nhiều thùng xốp mác Trung Quốc được đặt ngay tại quầy bán hàng Việt. |
Một chủ bán hàng tại đường Trần Cung cho biết: “Quýt, cam bây giờ là 20.000 đồng/kg không thể giảm được, hàng này là chị bán đúng giá vì nhập vào đã đắt rồi”.
Không chỉ riêng cam quýt, các loại hoa quả như xoài, táo… cũng được giới thiệu lấy từ Bắc Giang, Hà Giang… và chủ cửa hàng nào cũng phủ nhận không có hàng từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tại các điểm bán hàng trong các chợ thường có các thùng xốp đựng hoa quả dùng để vận chuyển và ghi chữ Trung Quốc, in hình các loại hoa quả mà được giới thiệu là hàng Việt Nam.
Thắc mắc về điều này, một chị bán hàng tại chợ Dịch Vọng đành “thật thà”, đây là hàng Trung Quốc, nhưng người tiêu dùng bây giờ họ không chuộng các mặt hàng từ Trung Quốc nên mới phải nói là hàng Việt Nam, nếu không sẽ không bán được hàng và không được giá.
Lấy hàng rẻ, bán giá cao
Đó là thực tế mà các chủ cửa hàng tại các chợ bán sang tay cho người tiêu dùng. Họ lấy hàng rẻ, nhưng vì “gắn” mác Việt Nam, người tiêu dùng đã phải mua hàng với giá cao hơn gấp hai, ba lần.
Theo chỉ dẫn của một người bán hàng trong chợ Dịch Vọng, hiện các mặt hàng hoa quả bán tại các chợ Hà Nội chủ yếu lấy hàng tại chợ đầu mối Long Biên-nơi diễn ra việc trao đổi mua bán từ 10 giờ đêm đến sáng.a quả Trung Quốc “nhái” Việt Nam được bày bán tràn lan trong các chợ.
Có mặt tại chợ Long Biên vào 9 giờ sáng, lúc này các xe chở hoa quả đã ngừng hoạt động, chỉ còn lác đác các cửa hàng bán hoa quả tại chợ. Sau một hồi làm quen, chị M, bán nước ngay cạnh cổng chợ Long Biên cho biết, cứ 10 giờ đêm trở đi thì chợ tấp nập các loại xe tải chở hoa quả, khách buôn đến từ khắp nơi đứng chen lấn, xô đẩy nhau lấy hàng. Những loại mặt hàng này chủ yếu là từ Trung Quốc, đựng trong các thùng xốp trắng nặng từ 8kg-10kg/thùng.
Chị L (quê Phú Thọ), bán hàng rong trong các con phố cổ vẫn còn bức xúc khi nhớ lại ngày đầu đi buôn: “Thời gian đầu chị không biết, chủ yếu nhập quýt, táo, cam để bán, bên ngoài vỏ rất đẹp nhưng đến khi bổ cho khách thì hầu hết bị hỏng bên trong. Hôm đó chị mất mấy trăm ngàn vì gánh hàng đó”.
Chị cũng tiết lộ, những người bán hàng rong lâu năm có thể lãi đến chục triệu/tháng do lấy rẻ nhưng lại bán cao, và chủ yếu khi ai hỏi đều nói là hàng Việt Nam chứ không bao giờ nhận là hàng Trung Quốc vì người tiêu dùng họ rất “kén” hàng Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng, thực tế hoa quả nội rất khó cạnh tranh được với hoa quả Trung Quốc do giá rẻ, phù hợp với tiêu dùng bình dân. Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên Đán tới hàng hóa Trung Quốc sẽ vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Cũng theo Hiệp hội, mặc dù trước đó báo chí cũng đã đưa nhiều thông tin hoa quả Trung Quốc tẩm nhiều chất bảo quan nên vỏ đẹp mà ruột hỏng. Tuy nhiên, hiện tại chưa có căn cứ chứng minh hoa quả Trung Quốc đang được nhập về có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không. Còn đối với việc “đội lốt” hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam của các chủ quầy hàng là vi phạm pháp luật, “đánh lừa” người tiêu dùng. Bản thân người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo khi mua hàng để tránh tình trạng mua hàng nhái, giá cao, không đảm bảo chất lượng.
Tuệ Chi/Lao động
Bình luận