Ông Đặng Thanh Hải nói tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Công ty cổ phần than Mông Dương ngày 21/3.
Theo ông Hải, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu những khó khăn vướng mắc được giải quyết nhanh, tháo gỡ kịp thời thì có thể biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi. Ngược lại, khó khăn lại chồng khó khăn.
Theo lãnh đạo Than Mông Dương, năm 2018 công ty sản xuất 1,450 triệu tấn than, mét lò đào là 17.800m, trong đó mét lò cơ bản sản xuất tự làm là 15.800m, mét lò neo là 3.500m... Trong ba tháng đầu năm, dự kiến sản xuất 327.500 tấn than, bằng 22,6% kế hoạch năm, đào lò 3.768m, bằng 21,2% kế hoạch...
Tuy nhiên, công ty gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa chất phức tạp, nhiều phay phá đứt gãy, diện khai thác lò chợ manh mún thường xuyên phải đào lò tránh đá, độ dốc lớn, chuyển diện nhiều làm ảnh hưởng đến năng suất lao động, sản lượng, làm tăng chi phí sản xuất cũng như áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong đào lò, khai thác khó khăn.
Mặt khác, khai trường phần lớn xuống sâu, cung độ xa, diện sản xuất phân tán, đi lại gặp nhiều khó khăn làm giảm thời gian hữu ích, cùng với bị ảnh hưởng nước và áp lực mỏ, mùa mưa lượng nước xuống lò nhiều, một số khu vực phải dừng khai thác để xử lý. Đặc biệt, công tác tuyển dụng thợ lò khó khăn, thiếu lao động khai thác lò, cơ điện lò...
Từ đó, công ty đề nghị Tập đoàn hỗ trợ về nguồn vốn và thủ tục đầu tư để thi công đào giếng phụ đáp ứng công tác vận tải, thông gió, thoát nước cho phân tầng -250 ÷ -400 vào năm 2025.
Cùng với đó, sớm thông qua đề án thăm dò bổ sung Khu trung tâm mỏ than Mông Dương để triển khai thi công từ 2018. Đầu tư một lò chợ cơ giới hóa bằng giá khung, giá xích, kết hợp máy khấu công suất 300.000 tấn/năm ngay từ cuối 2018 để quý 1/2019 khai thác.
Đồng thời, có cơ chế cho công ty chủ động trong công tác đào tạo tuyển dụng thợ lò.
Chia sẻ những khó khăn của Than Mông Dương, ông Đặng Thanh Hải đề nghị hai Phó tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Cơ và Nguyễn Đình Thịnh cùng các ban chuyên môn Tập đoàn quyết liệt chỉ đạo, phối hợp cùng với công ty tập trung tháo gỡ các khó khăn, tồn tại, đồng thời giải quyết các đề nghị của doanh nghiệp.
Đối với các vấn đề ngắn hạn, Than Mông Dương rà soát tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực hợp lý, điều chỉnh cơ cấu lao động để sản xuất hiệu quả, tập trung vào các lò chợ có khả năng nâng cao sản lượng, năng suất và thực hiện cơ giới hóa phù hợp với điều kiện sản xuất. Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, đầu tư phương tiện đi lại trong lò cho công nhân...
Với các vấn đề dài hạn, tập trung giải quyết về tài nguyên, tài chính, công nghệ; thực hiện công tác thăm dò, quy hoạch; các dự án đầu tư mở giếng phụ, cơ giới hóa lò chợ, hầm bơm cần lựa chọn phương án, đảm bảo hiệu quả đầu tư...
Bình luận