• Zalo

Quyền lực công ty giải trí: Gạ tình, đánh đập, ép uống thuốc kích dục

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 19/02/2019 14:30:00 +07:00Google News

Các công ty giải trí có quyền lực ngày càng lớn, họ chi phối đời sống riêng tư của nghệ sĩ, thậm chí ép họ thực hiện những việc vi phạm đạo đức, pháp luật.

Trong vụ việc gạ tình gây xôn xao làng giải trí Việt nhiều ngày nay, giọng ca trẻ Minkook tiết lộ một chi tiết khiến dư luận đặt câu hỏi về sức mạnh của các công ty. Anh cho biết khi Zero 9 ra mắt, công ty hướng nhóm theo hướng đi tạo chiêu trò để tranh cãi.

Anh mất hoàn toàn niềm tin và suy sụp nhưng không thể làm gì khác, công ty có toàn quyền quyết định. Từ một chàng trai tràn đầy nhiệt huyết và ước mơ dành cho âm nhạc, Minkook nhìn mọi thứ phía trước đều trở nên đen tối vì ông chủ gạ tình và chèn ép.

Quyền lực công ty chi phối đời sống ca sĩ

“Tôi đã từng nghĩ mình là một công dân tự do cho đến khi tôi vào đó. Họ nhốt tôi, họ cấm tôi sử dụng mọi phương tiện truyền thông, ra đường 5 phút cũng phải báo quản lý. Họ tiêm vào đầu tôi những câu chuyện để tôi hiểu rằng chỉ có một con đường là tuân theo họ”, Minkook tâm sự.

Đỉnh điểm - như ca sĩ trẻ kể - là khi ông bầu yêu cầu "tối nay em có thể ngủ ở đây với anh không?", ca sĩ 20 tuổi từ chối và anh phải chịu một trận đánh ngay giữa phố.

Nhiều công ty giải trí hiện giờ không chỉ là nơi đào tạo mà gần như toàn quyết quyết định đời sống của thực tập sinh. Họ kiểm soát đời sống cá nhân, yêu cầu những chàng trai, cô gái trẻ đang độ tuổi học sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định.

minkookzero906

 Rời Zero 9, Minkook tố ông bầu bắt nhóm dùng chiêu trò để nổi tiếng, hạn chế anh giao tiếp với mọi người, thậm chí gạ tình, đánh đập anh.

Cũng bởi mất đi quyền tự do cá nhân mà Luhan, Kris sau ít năm hoạt động cùng EXO đã quyết định rời nhóm và công ty SM.

Stella Kim là người Mỹ gốc Hàn, cô từng thực tập ở công ty SM và được chọn debut trong đội hình của SNSD rồi sau đó rời đi.

Nhớ lại những ngày tháng làm thực tập sinh ở một trong 3 “ông lớn” Kpop, Stella miêu tả: “Họ yêu cầu chúng tôi đứng thành hàng và đi lên bàn cân. Họ sẽ thông báo thông tin cân nặng của bạn trước mặt mọi người. Nếu cân nặng của bạn không giảm so với tuần trước, bạn sẽ bị cười nhạo”.

Cô cho biết công ty giải trí luôn ép cô giảm lượng calo thay vì tập thể dục. Khi tới spa để chăm sóc da, họ cũng gợi ý việc chỉnh sửa, phẫu thuật thẩm mỹ. Lời kể của Stella và rất nhiều nghệ sĩ khác cho thấy sự can thiệp của quản lý không dừng lại các bài học thanh nhạc, vũ đạo mà còn chi phối nhiều vấn đề khác, từ những việc nhỏ nhất, riêng tư nhất.

StellaKim_copy

 Stella Kim chia sẻ bị công ty SM chi phối từ chuyện lớn đến nhỏ nhặt, riêng tư nhất trong thời gian làm thực tập sinh. 

Có công ty thậm chí lợi dụng quyền lực của mình và sự cả tin của các ca sĩ trẻ để ép họ thực hiện những hành vi đồi bại. Từ năm 2010 đến 2012, Giám đốc điều hành công ty Open World Entertainment Jang Seok Woo quấy rối 10 thực tập sinh nữ, trong đó 6 người chưa tới tuổi vị thành niên.

Ông cũng ép họ uống thuốc kích dục, sau đó yêu cầu thân mật với thực tập sinh nam trong công ty hoặc những người có chức quyền trong lĩnh vực giải trí.

Mới đây, nhóm nhạc nhỏ tuổi The East Light lên tiếng công khai việc bị giám đốc công ty Media Line Entertainment Kim Chang Hwan và nhà sản xuất Yoon Yong Il lạm dụng và bạo hành suốt 4 năm. 

Theo trưởng nhóm Lee Seok Chul, cậu và em trai ruột Lee Seung Hyun thường xuyên bị đánh tại phòng tập luyện và studio thu âm. Các thành viên The East Light bị đánh bằng gậy bóng chày và dây đàn guitar. Thậm chí, từng có thành viên chảy rất nhiều máu vì bị đánh vào đầu. 

0003885567_004_20181019130537672 4

 Trưởng nhóm The East Light cho biết các thành viên đã chịu nhiều trận đòn roi, bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần kể từ năm 2015.

Do sợ hãi vì bị NSX Yoon đe dọa tính mạng nên các thành viên không dám tiết lộ cho người thân. Sự việc chỉ bị phanh phui khi cha ruột của Lee Seok Chul phát hiện các vết bầm tím trên người con trai và quyết tâm tìm hiểu sự việc.

Hiện tại, nhiều công ty ở Việt Nam học theo mô hình Kpop. Đồng nghĩa, họ sẽ áp dụng nhiều điều khoản, chẳng hạn việc công ty toàn quyền quyết định bài hát, concept hay hạn chế sử dụng điện thoại cá nhân như trường hợp Minkook.

Ra đi không có nghĩa sẽ được tự do

Nhiều ca sĩ vì không chịu nổi sự kìm kẹp của công ty đã chọn cách ra đi. Nhưng kể cả việc đường ai nấy đi cũng không mang đến cho họ tự do. Thậm chí, lúc này sự trả thù còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần.

“Họ là người đuổi tôi đi nhưng trong hợp đồng lại ghi tôi là người sai. Họ yêu cầu tôi bồi thường 20 triệu đồng, đồng thời, cấm tôi hoạt động showbiz trong 3 năm”, Minh Quốc rời Zero 9 đồng nghĩa phải “biến mất” 3 năm.

Trong khi phía Tăng Nhật Tuệ liên tục đưa ra những bài viết dài hàng nghìn chữ với đủ lời tố cáo thì Minkook chỉ đáp ngắn gọn rằng anh sẽ dừng mọi chuyện tại đây.

JACK0019_1 5

Dù rời Zero 9 hay ở lại, Minkook (tóc hồng, hàng trên) cũng phải chịu các yêu cầu của công ty.  

Ca sĩ trẻ không trả lời thêm về vụ việc “vì những điều khoản ràng buộc trong bản thanh lý hợp đồng”. Theo một nguồn tin, Quốc Minh sẽ không được xuất hiện công khai trên truyền thông trong 3 năm tới. Đó là yêu cầu của công ty Tăng Nhật Tuệ khi anh rời đi.

Nếu lời tố cáo của anh là đúng, có thể thấy các công ty giải trí hiện giờ có quyền lực quá lớn, chi phối cuộc sống của ca sĩ ngay cả khi họ đã rời khỏi công ty. 

Rời SM từ năm 2014 nhưng Jessica chưa một lần quảng bá trên các chương trình âm nhạc, thậm chí không xuất hiện ở kênh truyền hình lớn Hàn Quốc. Trong một sự kiện quảng bá ca khúc Wonderland, khi nhận được câu hỏi về việc vắng mặt trên sóng truyền hình, cựu thành viên SNSD úp mở: “Tôi cũng muốn biểu diễn trên các chương trình âm nhạc lắm. Nếu tôi nói như thế, mọi người sẽ hiểu ý tôi chứ?”.

Trước Jessica, JYJ cũng là “nạn nhân” của SM. Họ rời đi vì cảm thấy bất công, bị bóc lột sức lao động nhưng không được trả lương thích đáng. Và cái giá cho việc “phản bội” SM chính là các thành viên không thể xuất hiện trên truyền hình và chịu vô vàn thiệt thòi khác. Dù họ là người thắng cuộc trong vụ kiện khiến Quốc hội Hàn Quốc thông qua "luật JYJ" nhằm bảo vệ giới nghệ sĩ thì SM bằng quyền lực của mình vẫn có thể chi phối các hoạt động của nhóm.

Ở showbiz Hàn Quốc tồn tại cái gọi là “hợp đồng nô lệ”. Khái niệm này ám chỉ những bản hợp đồng kéo dài hàng chục năm giữa công ty và nghệ sĩ với nhiều điều khoản vô cùng khắt khe.

jessicajung1 6

 Jessica ám chỉ việc cô bị SM chèn ép ngay cả khi đã rời công ty.

Sau năm 2009, khi 3 thành viên của JYJ thắng kiện SM, thời hạn hợp đồng trung bình giữa các công ty với nghệ sĩ được rút ngắn, từ 13 năm xuống 7 năm. Tới 2017, Ủy ban Công bằng Thương mại Hàn Quốc, thông qua việc điều tra các cơ quan giải trí như SM, YG và JYP, tiếp tục sửa đổi nhiều điều khoản áp dụng trong hợp đồng của ca sĩ thần tượng.

Dẫu vậy, nhiều công ty vẫn tìm cách “lách luật”. Như Cube hay DSP Media, họ thậm chí đưa ra lệnh cấm các thần tượng ký hợp đồng với quản lý khác ngay sau khi chấm dứt hợp đồng với công ty cũ.

Trở lại trường hợp cựu thành viên Zero 9, theo lời chia sẻ của anh, nếu ở lại sẽ tiếp tục bị ông bầu đưa vào các tình thế nguy hiểm, nhưng nếu ra đi, anh phải đánh đổi ước mơ, sự nghiệp của mình. Lúc này, bằng quyền lực của mình, công ty đặt anh ở tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Dù đi hay ở, anh cũng không được quyền quyết định tương lai của chính mình. Đây hẳn là một mặt trái vô lý, nhưng vẫn tồn tại hiên ngang giữa môi trường nghệ thuật.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn