Lần đầu tiên, cuộc sống riêng tư, gia đình của ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT Eximbank, ứng viên duy nhất chức chủ tịch VFF khoá 7 - được “hé lộ” trong một cuốn sách ảnh “Lê Hùng Dũng - 60 năm với đời” do nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn thực hiện.
Trong phần tự bạch, ông Dũng đã lý giải tại sao mình mang họ Lê chứ không phải họ Nguyễn, theo họ ba (thân phụ ông Dũng là cụ Nguyễn Quyền Sinh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt VN).
Ông Dũng viết: “Lúc mới 7-8 tháng tuổi, tháng 8.1954, má tôi bồng tôi và anh tôi xuống thị xã Cao Lãnh để tiễn ba tôi đi tập kết ra Bắc theo Hiệp định đình chiến Genève 1954... gia đình tôi bị mật vụ chính quyền Việt Nam Cộng hòa xếp vào loại gia đình cộng sản, cần theo dõi, quản lý chặt.Vì vậy, khi làm lại giấy tờ khai sinh, má tôi phải khai tôi họ Lê...”.
Phải 21 năm sau, vào tháng 5.1975, khi đất nước thống nhất, ông Lê Hùng Dũng mới gặp lại cha mình. Đó cũng là thời điểm ông Dũng đang trong quân ngũ.
Trong cuốn sách ảnh này, có một phần rất đặc biệt, đó là phần nói về những đam mê của ông Lê Hùng Dũng. Ông Dũng có thú chơi xe cổ, mà phải là xe "độc”. Ông Dũng sở hữu chiếc Dodge sản xuất năm 1936, nhập vào VN năm 1937, do chính quyền Pháp cấp biển số C.H 666. Hiện ở VN chỉ có... 1 chiếc duy nhất do ông Dũng sở hữu.
Một chiếc xe cổ vào hàng cực hiếm mà ông Dũng sở hữu khác là chiếc Moto BMW R2 độc nhất tại VN. Chiếc môtô này cũng sản xuất năm 1936, nhập vào VN năm 1943 và từ năm 1954 (năm ông Dũng sinh ra) được mang biển số Việt Nam BMT-001. Đây cũng là chiếc môtô đầu tiên được đăng ký tại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngoài ra, ông Dũng còn sở hữu chiếc BMW R50 sản xuất năm 1954.
Hiện ông Dũng đang phục chế chiếc ôtô Chaika sản xuất năm 1947 - chiếc xe được Đại sứ Liên Xô cuối cùng tại VN sử dụng. Chaika là dòng xe độc nhất vô nhị được quan chức Liên Xô sử dụng vì lý do an ninh.
Ngoài những hình ảnh đời tư, cuốn “Lê Hùng Dũng - 60 năm với đời” cũng lưu lại những hình ảnh, những bài viết của ông Dũng về những kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết cũng như những cuộc gặp gỡ với các nhân vật hàng đầu của bóng đá thế giới hiện nay, như Chủ tịch FIFA S.Blatter, Chủ tịch UEFA Platini...
Điều khá kỳ lạ là, trong một cuốn sách ảnh dày gần 300 trang này, ngay cả phần “Những người thân kính, bạn hữu, cộng đồng” gần như hoàn toàn vắng bóng hình ông Nguyễn Trọng Hỷ - người có 2 nhiệm kỳ với 8 năm làm chủ tịch VFF, cũng là hai nhiệm kỳ mà ông Dũng là PCT VFF phụ trách tài chính.
Ông Hỷ từng tuyên bố: “Tôi và anh Dũng như cặp bài trùng”, nhưng trong ấn phẩm nói trên của quyền chủ tịch VFF lại không có nhân vật Nguyễn Trọng Hỷ. Đó cũng là một dấu hỏi nhẹ trước thềm đại hội VFF khoá 7 (dự kiến tổ chức vào 25.3 tới) - nơi ông Dũng chính thức thay ông Hỷ làm lãnh đạo liên đoàn.
Bình luận