• Zalo

Quyền Bộ trưởng Y tế: 'Đợt dịch lần này căng thẳng, ngành y tế nỗ lực gấp 3 lần'

Tin tứcThứ Năm, 27/08/2020 15:44:23 +07:00Google News
(VTC News) -

Với mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế đòi hỏi lực lượng y tế nỗ lực gấp 2-3 lần trong công cuộc phòng chống dịch.

Đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi giao ban với các Sở Y tế và các bệnh viện tuyến Trung ương diễn ra sáng 27/8. Theo ông Long, thời gian qua chúng ta đã chủ động, tích cực, các biện pháp phòng chống dịch.

Với sự nỗ lực lớn của trung ương và địa phương, đến nay nước ta cơ bản kiểm soát được tình hình dịch tại ổ dịch Hải Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ngành y tế phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Ngành y tế nỗ lực gấp 2-3 lần

Theo ông Long, nhận định về tình hình dịch bệnh thời gian tới, các chuyên gia cho rằng nước ta có thể sẽ có thêm những ca bệnh trong cộng đồng do mầm bệnh đã lây lan. Vì vậy, dịch hoàn toàn có thể bùng phát thành đợt mới nếu nơi nào có thái độ lơ là, mất cảnh giác.

“Nếu không quyết liệt nhanh chóng, tốc độ lây lan của dịch sẽ nhanh hơn sự ứng phó của chúng ta. Do đó, chúng ta phải khoanh vùng nhanh gọn, truy vết thật nhanh và cách ly triệt để nhằm đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất. Để làm được điều đó, chúng ta phải kiên định việc cách ly F1 tập trung để tránh lây lan dịch bệnh. Các địa phương cần quán triệt thực hiện việc này”, ông Long nhấn mạnh.

Quyền Bộ trưởng Y tế: 'Đợt dịch lần này căng thẳng, ngành y tế nỗ lực gấp 3 lần' - 1

GS. TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: Trần Minh).

Chia sẻ với khó khăn của cán bộ, nhân viên y tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, ông Long cũng cho rằng, nhiệm vụ sắp tới với ngành y còn rất khó khăn và gian nan. Bởi phải thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. “Nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi lực lượng y tế phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần trong công cuộc phòng chống dịch”.

Để làm được điều đó, theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, mỗi địa phương phải rà soát lại toàn bộ, kiểm tra lại tất cả các hoạt động, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh theo 8 vấn đề. Đó là các quy định chống dịch; Tăng cường năng lực xét nghiệm; Thực hiện khai báo tại các cơ sở y tế; Bảo đảm bệnh viện an toàn; Bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế; Tập huấn phòng chống dịch cho nhân viên y tế; Xử lý các trường hợp người Việt Nam xuất cảnh nước ngoài có kết quả dương tính và Chủ động mua sắm vật tư chống dịch, tuân thủ đúng quy định.

Bệnh viện yếu phải dừng hoạt động

Theo GS. TS Nguyễn Thanh Long, để công tác chống dịch được hiệu quả, điều quan trọng là phải bảo vệ được các cơ sở y tế được an toàn. Vì vậy, tất cả các địa phương phải tăng cường tập huấn cho cán bộ, song song tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế thực hiện các yêu cầu về an toàn trong phòng chống dịch.

“Chúng tôi hoan nghênh Hà Nội dừng hoạt động của 3 bệnh viện không đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Các địa phương khác cũng phải kiên quyết như vậy", Quyền Bộ trưởng Y tế nói và biệt lưu ý bệnh viện nào cũng có khả năng bị COVID-19 xâm nhập, những bệnh viện tưởng chừng như không có khả năng bị như Sản, Nhi... thì càng cần phải lưu tâm, tránh lơ là.

"Nếu cơ sở y tế nào không đảm bảo an toàn thì dừng hoạt động ngay, nếu tiếp tục để xảy ra vi phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu, bất kể đó là bệnh viện công hay tư. Không để tình trạng vì một sơ xuất mà phải đóng băng cả bệnh viện”, ông Long nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Y tế cũng khẳng định, tất cả các cơ sở y tế, bệnh viện từ trung ương tới địa phương cần tăng cường lấy mẫu xét nghiệm cho các nhân viên y tế tại các khoa trọng điểm như: Hồi sức, cấp cứu, khám bệnh, thận nhân tạo… Các trường hợp bệnh nhân có yếu tố dịch tễ sốt, ho, khó thở phải lưu ý lấy mẫu xét nghiệm. Riêng đối với khoa Thận nhân tạo, các bệnh viện phải có kịch bản rõ ràng để xử lý việc chuyển bệnh nhân đến các khu vực khác khi xuất hiện ca bệnh dương tính.

Đến sáng 27/8, Việt Nam ghi nhận 1.034 trường hợp mắc COVID-19. Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện có 70.916 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly tại nước ta. Trong đó, 1.596 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 18.828 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 50.492 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến thời điểm này có 632/1.034 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân còn lại, 41 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần, 52 bệnh nhân âm tính lần 2 và 51 ca âm tính lần 3 với nCoV. Cả nước có 30 bệnh nhân tử vong.

Video: "Chúng tôi như xát muối trong lòng khi nhận được tin tử vong"

 

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn