Phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 Chương, 61 Điều. Trong đó, Chương I: Quy định chung; Chương II: Lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Chương III: Tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn; Chương IV: Quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn, và Chương V: Điều khoản thi hành.
Mục đích của xây dựng Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch tại khu vực đô thị và nông thôn, trên cơ sở hợp nhất các quy định hiện hành tại Luật Xây dựng và Luật quy hoạch đô thị, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, bảo đảm sự đồng bộ của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Quy hoạch năm 2017 và các pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng trên quan điểm thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, gắn phát triển đô thị với phát triển nông thôn, nâng cao chất lượng môi trường sống, làm việc, hoạt động và tái tạo sức khỏe cộng đồng, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn là tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Dự thảo đề xuất phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị và đề xuất phân cấp quy hoạch chung đô thị loại IV cho cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn trực thuộc UBND cấp tỉnh.
Nhằm khai thác tối đa không gian trong đô thị và gắn kết đồng bộ không gian trên và dưới mặt đất, mặt nước, Dự thảo Luật bổ sung quy định về quy hoạch, tổ chức không gian ngầm; quy định rõ yêu cầu về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang được Bộ Xây dựng tổng hợp ý kiến, hoàn thiện và trình Bộ Tư pháp trong tháng này, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ VII, tháng 5/2024 tới.
Không gian ngầm gắn kết với không gian trên mặt đất
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có những điểm gì mới đáng chú ý? Các quy định về điều chỉnh quy hoạch cục bộ siết chặt hay nới lỏng hơn công tác quy hoạch đô thị và nông thôn trong thời gian tới? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng về nội dung này.
- Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch. Điều này sẽ có tác dụng gì?
Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng, chú trọng vai trò của Bộ Xây dựng và vai trò của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong lập thẩm định, phê duyệt, nhưng trong Dự thảo Luật lần này điều chỉnh theo hướng phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.
Ví dụ, Dự thảo lần này, điều chỉnh trách nhiệm của tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới (hiện nay Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III) cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị.
Hai là, các đồ án quy hoạch chung đô thị loại II, III và IV đô thị mới trước khi phê duyệt, UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng thì nay đề xuất điều chỉnh phân cấp việc thống nhất bằng văn bản đối với quy hoạch chung đô thị loại IV cho cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị thuộc UBND cấp tỉnh.
Ngoài ra, Dự thảo cũng đề xuất bổ sung một số cơ quan Nhà nước có chức năng thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn, như Đại học quốc gia, Ban quản lý khu kinh tế khu công nghiệp. Điều này, một mặt tăng cường vai trò và chức năng, tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý nhưng mặt khác cũng giúp giảm tải cho cơ quan quản lý cấp trên.
Điểm mới thứ hai là đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong lập, thẩm, định phê duyệt đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Dự thảo Luật đề xuất rút gọn trình tự lập quy hoạch. Quy định rõ về các trường hợp không yêu cầu lập đủ 3 cấp độ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết (đề xuất đô thị loại 3,4,5 không yêu cầu lập quy hoạch phân khu...).
Bổ sung quy định rõ về quy hoạch không gian ngầm và quy hoạch không gian ngầm đối các thành phố trực thuộc Trung ương nhằm khai thác hiệu quả tối đa về sử dụng không gian ngầm, gắn kết đồng bộ với không gian xây trên mặt đất.
- Những quy định về điều chỉnh quy hoạch cục bộ đề cập trong Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo hướng siết chặt hay nới lỏng so với Luật hiện hành thưa ông?
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và yêu cầu về điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Nếu chúng ta không yêu cầu và quản lý chặt chẽ về điều chỉnh quy hoạch thì nhiều khi điều chỉnh quy hoạch cấp độ thấp sẽ phá vỡ quy hoạch cấp độ gần hơn và sẽ phá vỡ quy hoạch cấp độ cao hơn.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quy định các điều kiện cụ thể trong điều chỉnh quy hoạch, khi nào, điều kiện nào mới rà soát, điều chỉnh.
Một trong những điều kiện để điều chỉnh quy hoạch là không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất của khu vực và phải đánh giá đầy đủ về các điều kiện về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cũng như tác động tiêu cực đối với việc điều chỉnh này; đảm bảo việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Trong khi điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo không làm thay đổi về quy mô, chức năng của khu vực điều chỉnh.
Trong thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng một số địa phương điều chỉnh một số quy hoạch chi tiết, phân khu ảnh hưởng đến quy hoạch chung. Ví dụ, quy hoạch chi tiết đã bố trí một khu đất để làm công viên cây xanh, hay là đầu mối kỹ thuật nhưng trong quá trình điều chỉnh, biến những khu vực công viên cây xanh trở thành các tòa nhà chung cư, như vậy thay đổi chức năng của sử dụng đất. Cho nên lần này điều kiện đặt ra là không làm thay đổi chức năng đã được quy định.
Có một số điểm không thực tế
Những quy định mới Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và phát triển nông thôn có giúp cho công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn đáp ứng Nghị Quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam xung quanh nội dung này.
- Ông nghĩ sao về những quy định về điều chỉnh quy hoạch cục bộ được đề cập trong Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn?
Luật quy hoạch hiện hành cũng phân loại, đồ án quy hoạch mà Thủ tướng phê duyệt, khi điều chỉnh cục bộ phải xin ý kiến Thủ tướng hoặc nếu Thủ tướng ủy quyền thì có thể thông qua Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, những cơ sở lập luận tại sao phải điều chỉnh quy hoạch thì chưa được đề cập rõ lắm.
Dự thảo Luật Quy hoạch và đô thị lần này quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu khi điều chỉnh cục bộ thì phải làm rõ các căn cứ, điều kiện điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở phải đảm bảo yêu cầu không làm thay đổi phạm vi, ranh giới quy mô, chức năng, tính chất của khu vực điều chỉnh, thậm chí phải đánh giá về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tác động tiêu cực đến việc điều chỉnh để đề xuất các giải pháp thực hiện để đảm bảo tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.
Nếu chúng ta làm chặt chẽ sẽ làm giảm nguy cơ điều chỉnh một cách ồ ạt, cảm tính, không có cơ sở hay là điều chỉnh theo tư duy nhiệm kỳ. Điều này có thể khắc phục được nhưng chắc cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi.
Tuy nhiên, tôi nghĩ, các quy định này cũng có một số điểm không thực tế. Ví dụ, lý do tại sao phải điều chỉnh, trong đó điều chỉnh có thể điều chỉnh ranh giới, điều chỉnh quy mô, tính chất. Nếu bây giờ bắt buộc không làm thay đổi phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng của khu vực điều chỉnh thì cũng rất khó. Nếu không làm thay đổi thì sao gọi là điều chỉnh đây.
Chính quyền đô thị, các chủ đầu tư sẽ đặt ra câu hỏi, nếu phải đáp ứng yêu cầu này thì tôi cần gì phải điều chỉnh nữa. Theo quy định này, chắc chắn điều chỉnh quy hoạch cục bộ sẽ rất khó.
- Dự thảo Luật bổ sung thêm một số cơ quan nhà nước Đại học Quốc gia, Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp… có chức năng thẩm định quy hoạch, điều này có phù hợp không thưa ông?
Trong quy định về phân cấp phân quyền, có quy định giao cho Đại học Quốc gia, Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp có vai trò chức năng thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn. Tôi thấy băn khoăn với quy định này vì trong nội hàm của Dự thảo Luật chưa quy định rõ một số khái niệm có liên quan, Dự Luật mới đề cập đến khái niệm đô thị nhưng chưa có những khái niệm đô thị mang tính đặc thù như đô thị du lịch, đô thị sinh thái, đô thị thông minh...
Thứ hai là khu chức năng, trong Luật xây dựng, Luật Quy hoạch cũng nhắc đến là khu kinh tế, khu công nghiệp... Nhưng trong thực tế, khu kinh tế không phải chỉ đơn thuần kinh tế không mà có những khu kinh tế bao gồm cả đô thị trong đấy. Ví dụ, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái bao gồm TP Móng Cái, thị trấn Hải Hà.. Vậy liệu Ban Quản lý khu kinh tế có thể đứng ra làm nhiệm vụ phân cấp hay không? Trước đây UBND cấp tỉnh đứng ra để phân cấp.
Tôi nghĩ, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn về các trường hợp cụ thể đối với Đại học Quốc gia và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế có thể đảm nhận chức năng này; đồng thời phải phân loại các loại hình ra một cách cụ thể ví dụ khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế…
Trong Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có nhiều điểm đổi mới nhưng để đổi mới triệt để, đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị hóa hay không, bản thân có đáp ứng được Nghị Quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì mới chỉ đáp ứng được một phần, chưa đáp ứng được cụ thể.
Trong Nghị quyết 06 nói rất nhiều về các đô thị mang tính toàn cầu, đô thị thông minh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu... nhưng trong Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn không đề cập đến những khái niệm này.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận