• Zalo

Quốc hội thông qua 2 dự án Luật do Bộ Tài chính soạn thảo với phiếu tán thành cao

Kinh tếThứ Ba, 25/06/2013 03:21:00 +07:00Google News

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIII, 2 dự án Luật do Bộ Tài chính soạn thảo được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành cao.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIII, 2 dự án Luật do Bộ Tài chính soạn thảo được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành cao.

Chiều 21-6, sau 1 tháng làm việc khẩn trương nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao trước nhân dân, kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIII đã thành công tốt đẹp. Có thể nói đây là một kỳ họp lịch sử với nhiều nội dung quan trọng lần đầu tiên được thực hiện, đồng thời QH đã thông qua nhiều giải pháp về thuế quan trọng được sửa đổi, bổ sung kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Bộ Tài chính là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, do đó trong chương trình xây dựng pháp luật của QH cũng là Bộ có số lượng các Luật trình QH xem xét thông qua và cho ý kiến nhiều nhất.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII 

Tại kỳ họp thứ 5, Bộ Tài chính có 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế Giá trị gia tăng trình QH theo trình tự rút gọn, có nghĩa trình QH xem xét thông qua tại 1 kỳ họp. Luật THTK, CLP trình QH cho ý kiến. Và theo thông lệ, kỳ họp này Bộ Tài chính trình QH thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.                      

QH đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp với 91,57% số phiếu tán thành và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng với 91,37% số phiếu tán thành. Đây là những con số cho thấy sự ủng hộ cao của các đại biểu QH đối với 2 Luật thuế do Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn với DN và thực hiện theo Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Bộ Tài chính đã gấp rút hoàn thành 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế Giá trị gia tăng. Trong đó, có nhiều nội dung được chính thức thực hiện ngay từ ngày 1-7-2013.

Mức thuế thu nhập doanh nghiệp cạnh tranh được đại biểu đánh giá cao

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, sẽ áp dụng thuế suất phổ thông 22% từ 1-1-2014 và từ 1-1-2016 áp dụng thuế suất 20%. Việc áp dụng 2 mức thuế suất phổ thông này sẽ khiến giảm thu Ngân sách khá lớn. Năm 2014 giảm khoảng 22.200 tỷ đồng. Năm 2016 giảm thêm khoảng từ 21.190 - 21.580 tỷ đồng so với việc áp dụng mức thuế suất 22%. Tuy nhiên, trong nỗ lực cố gắng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Bộ Tài chính vẫn quyết định trình mức thuế suất khá cạnh tranh này ra trước Quốc hội và  được các đại biểu Quốc hội ủng hộ, đánh giá cao.

Chính vị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng tỏ rõ quan điểm ủng hộ Bộ Tài chính và không đồng tình khi có ý kiến đề nghị nên hạ hơn nữa mức thuế suất này. Theo ông Phùng Quốc Hiển, trong bối cảnh thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, nếu tiếp tục giảm mạnh thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp theo như đề xuất một số đại biểu Quốc hội sẽ tác động lớn đến cân đối ngân sách. Hơn nữa, so với mặt bằng thuế suất của các nước trong khu vực và trên thế giới thì mức thuế suất phổ thông 22% trong giai đoạn 2014-2015 và thuế suất 20% từ năm 2016 là phù hợp, bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Ngoài ra, Luật quy định, “phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ” nằm trong khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí; thu nhập của cơ quan xuất bản từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản được ưu đãi áp dụng thuế suất 10%.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Riêng quy định về áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội tại khoản 7 Điều 1 của Luật được thực hiện từ ngày 1-7-2013.

Quốc hội nhất trí giảm thuế VAT hỗ trợ thị trường bất động sản

Ngày 19-6, Quốc hội đã nhất trí thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) với số phiếu tán thành cao. Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Một số điều khoản có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.

Theo đó, sẽ áp dụng ổn định thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có nhu cầu rất lớn về nhà ở. Việc bảo đảm nhà ở cho người có thu nhập thấp là một chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội sẽ tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp được tiếp cận với nhà ở xã hội.

Quốc hội cũng nhất trí phương án giảm 50% thuế VAT đối với nhà ở thương mại với căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Việc giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với nhà ở là căn hộ loại này sẽ góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp, đang có nhu cầu về chỗ ở, đồng thời sẽ góp phần giảm lượng căn hộ thương mại đang tồn kho, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản.


Tiếp thu ý kiến của Quốc hội, Bộ Tài chính đã sửa đổi mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế trong trường hợp dự án đầu tư kéo dài trên 1 năm và xuất khẩu hàng hoá từ 500 triệu đồng (đưa ra thảo Luận tại Quốc hội) thành mức 300 triệu đồng và được Quốc hội nhất trí thông qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán đồng với quan điểm của Bộ Tài chính khi cho rằng, cùng với quá trình phát triển kinh tế, biến động của chỉ số giá, mức tiền thuế tối thiểu đầu vào để được hoàn theo quy định của Luật trước đó (200 triệu đồng) là không còn phù hợp.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, đồng thời cũng phù hợp với biến động giá cả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và quy định mức tiền thuế tối thiểu đầu vào để được hoàn là 300 triệu đồng…


Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Quyết toán NSNN năm 2011


Sáng 20-6, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011. Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2011 như sau:

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2011 là 962.982 tỷ, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.034.244 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012

Bội chi ngân sách nhà nước là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư của ngân sách địa phương.

Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nuớc năm 2011 theo quy định. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 1201/BC-UBTCNS13 ngày 15-5-2013 của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, kết luận, kiến nghị tại Báo cáo kiểm toán số 145/BC-KTNN ngày 26-4-2013 của Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội cũng giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.

Sẽ tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội Luật THTK, CLP vào kỳ họp thứ 7


Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Bộ Tài chính trình Quốc hội xem xét cho ý kiến dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP).

Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang là vấn nạn hiện nay, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật và lãng phí diễn ra trong mọi lĩnh vực nên tất cả mọi người cần phải thực hiện phòng chống lãng phí.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu Quốc hội, phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi cũng không nên điều chỉnh quá rộng mà chỉ tập trung vào việc phòng chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách, vốn tài sản nhà nước, tài nguyên và thời gian lao động tại các khu vực Nhà nước.

Có đại bày tỏ quan điểm: “Hiện nay, ngoài lãng phí tài nguyên, tiền bạc thì lãng phí thời gian cũng không kém nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp yếu tố thời gian quan trọng hơn tiền bạc mà chúng ta ít quan tâm”. Lãng phí thời gian hiện chưa định lượng được gây lãng phí lớn cho xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định mức độ cụ thể thế nào là lãng phí và trên cơ sở đó quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây lãng phí về thời gian và cũng là lãng phí tiền bạc của nhà nước.

Có đại biểu đề nghị lãng phí đến mức độ nghiêm trọng phải coi là chiếm dụng tài sản công và phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu biện pháp chế tài chưa chỉ ra được hành vi, mức độ và không làm rõ trách nhiệm, xử lý nhất là đối với các tổ chức, cá nhân gây lãng phí thì hiệu quả THTK, CLP sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.

THTK, CLP trong sản xuất tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ cần tập trung vào THTK, CLP các lĩnh vực sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước, trong chi tiêu mua sắm công và lĩnh vực tài nguyên; còn việc THTK, CLP trong sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân chỉ cần theo hướng vận động, khuyến khích thực hiện là chính.

Nhiều ý kiến của ĐBQH đã đánh giá cao vai trò phát hiện và ngăn chặn tình trạng lãng phí của báo chí. Theo các đại biểu, dự thảo Luật sửa đổi chưa đề cập đến vai trò quan trọng này của báo chí, do đó đề nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật quy định các cơ quan báo chí có quyền và giám sát việc THTK, CLP. Điều này cũng được Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc đến trong phần kết luận phiên họp.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo Luật tiếp thu ý kiến các ĐBQH, chỉnh lý, bổ sung để trình Ủy ban Thường vụ QH và trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII.


Nguồn BTC

Bình luận
vtcnews.vn