Hôm 30/3, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan, mở đường cho việc Helsinki trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên cuối cùng của NATO phê chuẩn đơn của Phần Lan. Tuần trước, Quốc hội Hungary cũng đã đưa ra quyết định tương tự.
Đầu tháng này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Helsinki nhận được sự ủng hộ của Ankara sau khi thực thi cam kết trấn áp các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và không hạn chế xuất khẩu quốc phòng.
Tổng thống Erdogan sẽ ký phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Phần Lan sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua.
Phản ứng sau cuộc bỏ phiếu, Chính phủ Phần Lan cho hay: “Tư cách thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan cũng như cải thiện sự ổn định và an ninh ở khu vực biển Baltic và Bắc Âu”.
Phần Lan và Thụy Điển đã chấm dứt chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ và quyết định xin gia nhập NATO sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Đơn xin gia nhập của 2 quốc gia Bắc Âu này đã được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6/2022. Tuy nhiên, để chính thức trở thành thành viên NATO, các văn kiện kết nạp 2 nước này cần được nghị viện của toàn bộ 30 quốc gia thành viên liên minh phê chuẩn.
Phần Lan và Thụy Điển đã đồng ý với những yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong một bản ghi nhớ ba bên được ký vào tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, Ankara cáo buộc Stockholm không giữ lời hứa. Chính quyền Thụy Điển phủ nhận các cáo buộc.
Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ đàm phán với Thụy Điển vì giận dữ trước các cuộc biểu tình hồi tháng 1, trong đó có vụ đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.
Nga nhiều lần cáo buộc NATO vi phạm cam kết trước đó là không mở rộng về phía đông. Moskva cho rằng NATO ngày càng cho thấy xu hướng đối đầu với Nga bằng cách tập hợp quân đội và vũ khí gần biên giới Nga trong nhiều năm.
Bình luận