Dự kiến ngay trong buổi chiều ngày khai mạc kỳ họp thứ 7 (20/5), Chính phủ sẽ báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này.
Ngày 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 và các dự án sửa đổi Luật Tổ chức QH, Luật Quốc tịch, Luật Dược.
Về dự kiến chương trình kỳ họp QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay ngày 20/5 tới, kỳ họp thứ 7 sẽ chính thức khai mạc. Trong kỳ họp này, ngoài việc nghe các báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội; xem xét thông qua các dự án luật và các báo cáo khác có liên quan, QH cũng sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông (dự kiến chiều 20/5). Sau đó, QH sẽ xem xét và có thể sẽ thảo luận tại các đoàn về báo cáo trên.
Tán thành với nội dung trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng sau khi nghe báo cáo và thảo luận thì ý kiến của QH như thế nào sẽ được tiếp tục bàn tiếp. “Tình hình này đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo, rất nóng nhưng cũng phải rất lạnh. Làm sao vừa đấu tranh kiên quyết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, vừa kiên quyết đấu tranh để giữ gìn được hòa bình” - ông Hùng nói.
Về dự án Luật Tổ chức QH, qua thảo luận, đa số ý kiến đều tán thành với việc tăng số lượng đại biểu QH chuyên trách từ 25% lên 40%. Đồng thời, để các đại biểu QH hoạt động hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng cần cải tiến cơ chế làm việc, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu như chế độ lương, hoạt động phí, cơ chế sử dụng chuyên gia, có trợ lý, thư ký giúp việc và được bảo đảm kinh phí hoạt động.
Mặt khác, để bảo đảm đại biểu QH thực sự là đại biểu cao nhất của dân, cần có cơ chế gắn trách nhiệm của đại biểu với cử tri, trước hết là cử tri tại nơi bầu cử. Đồng thời bổ sung các quy định nhằm hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của cơ quan dân cử, ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến quyết định của đại biểu QH.
Theo Pháp luật TP.HCM
Bình luận