• Zalo

Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vào cuối tháng 11

Thời sựThứ Năm, 17/10/2019 15:16:00 +07:00Google News

Dự kiến ngày 25/11, Quốc hội thực hiện quy trình và bỏ phiếu kín để miễn nhiệm chức Bộ trưởng Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Ngày 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp này dự kiến diễn ra trong 27 ngày, khai mạc vào 21/10 và bế mạc ngày 27/11.

Liên quan đến việc bố trí xem xét, quyết định công tác nhân sự vào cuối kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép không bố trí họp đoàn đại biểu Quốc hội đối với dự kiến nhân sự bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nếu nhân sự đó đã được bầu giữ chức danh ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định vừa được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà.

bo-truong

 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ được miễn nhiệm vào tháng 11/2019. (Ảnh: Tuổi trẻ Y dược)

Tại kỳ họp này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng sẽ được miễn nhiệm, thôi làm Bộ trưởng. Nội dung này dự kiến tiến hành vào ngày 25/11.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế. Quốc hội sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Tiến bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc này.

Ngày 14/10, Bộ Chính trị đã có quyết định phân công Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế.

Hơn ba tháng trước, Bộ Chính trị quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương, thay ông Nguyễn Quốc Triệu đã nghỉ hưu.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (60 tuổi, quê Hà Tĩnh) là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X (dự khuyết), khóa XI; Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Y tế từ năm 2011. Bà Tiến không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XII và là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ hiện nay.

Về nội dung xây dựng chương trình luật, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến vào 9 dự án luật khác.

Một số dự án luật dự kiến được thông qua gồm Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội...

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến 2 dự án: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp sửa đổi (thay cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp); xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Ngoài ra, Quốc hội cũng dành 3 ngày để tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn