Chiều 8/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, với 466/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ kết quả xin ý kiến các đại biểu qua phiếu, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.
Quốc hội quyết định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề và báo cáo tại Kỳ họp thứ 10.
Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 9 và 10, Quốc hội cũng xem xét hàng loạt báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, Công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; một số công trình giao thông trọng điểm; chất vấn và trả lời chất vấn; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2024; tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chủ trì ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết này. Đồng thời chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn đoàn đại biểu, đại biểu trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Uỷ ban Thường vụ sẽ báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát, làm cơ sở cho việc dự kiến chương trình giám sát của năm tiếp theo. Qua đó, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
“Tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước”, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.
Bình luận