Cuộc bỏ phiếu tại phiên họp bất thường của Quốc hội Hungary về việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển không diễn sau khi không có đủ số đại biểu tham dự.
Chỉ có 51 trong số 199 nhà lập pháp có mặt tại hội trường. Đảng Xã hội Hungary (MSZP) đối lập đề xuất tổ chức cuộc họp. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền Fidesz - đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (KDNP), chiếm đa số ghế trong quốc hội, đã từ chối tham gia cuộc họp vốn chỉ có đại diện của các đảng đối lập dự.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban trước đó nói chính phủ nước này ủng hộ việc Thụy Điển trở thành thành viên của NATO. Thủ tướng Viktor Orban cho hay ông sẽ tiếp tục thúc giục Quốc hội Hungary bỏ phiếu ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO và nhanh chóng hoàn tất việc phê chuẩn.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc kết nạp Thụy Điển vào NATO hôm 23/1. Sau đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ký văn bản phê chuẩn Thụy Điển trở thành thành viên NATO.
Theo quy định, để trở thành thành viên NATO, Thụy Điển cần được quốc hội tất cả các nước thành viên NATO chấp thuận. Sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn, hiện chỉ còn Hungary là chưa đồng ý để Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này.
Trước đó, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Phần Lan và Thụy Điển cùng nộp đơn xin gia nhập NATO. Tư cách thành viên NATO của 2 quốc gia Bắc Âu này đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nước thành viên khối khi ấy, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO hồi tháng 4. Sau đó, ngày 10/7, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ ủng hộ việc kết nạp Thụy Điển, gạt bỏ những trở ngại cuối cùng trong việc trở thành thành viên NATO của Stockholm.
Khi chính thức gia nhập khối, Thụy Điển sẽ giúp NATO tăng cường sự hiện diện tại Bắc cực. Cùng với Phần Lan, Thụy Điển đang là thành viên của Hội đồng Bắc cực - tổ chức giám sát khu vực này. Nga, Mỹ và Canada cũng đang là thành viên của hội đồng trên.
Bình luận