Mỹ và NATO vừa cởi được nút thắt “khó nhất” để kết nạp Thụy Điển vào NATO sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn hôm 25/1. Ngay sau động thái này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận được tin vui từ Bộ Ngoại giao Mỹ, rằng cơ quan này đã chấp thuận hợp đồng bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, với giá trị lên tới 23 tỷ USD.
Tuy nhiên, chưa phải tất cả nút thắt đã được gỡ. Để Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của NATO, vẫn cần một là phiếu cuối cùng từ Hungary. Hai ngày qua, quốc gia này liên tục được Mỹ và NATO "gọi tên".
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nhấn mạnh: “Tôi muốn dành chút thời gian để hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển trong tuần này. Như chúng ta đã biết, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu thông qua các điều khoản và phê chuẩn quyết định.
Tổng thống Erdogan cũng đã ký các văn kiện đó và chúng tôi hy vọng các văn kiện phê chuẩn sẽ được chuyển đến chúng tôi sớm để được lưu giữ tại Bộ Ngoại giao, theo đúng quy trình.
Chúng tôi cũng kêu gọi Hungary nhanh chóng tiến hành quy trình của họ để liên minh có thể chào đón Thụy Điển gia nhập NATO mà không bị chậm trễ hơn nữa. Chúng tôi rất lạc quan rằng Thụy Điển sẽ sớm trở thành thành viên mới nhất của NATO”.
Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức NATO, ông Jens Stoltenberg bày tỏ hy vọng Quốc hội Hunggary sẽ phê chuẩn nghị định thư kết nạp Thụy Điển vào liên minh quân sự ngay khi họp lại vào cuối tháng 2 tới.
“Tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào đầu tuần này. Ông ấy rất truyền đạt rõ ràng rằng ông ấy ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO và cũng đã nói rõ rằng quốc hội sẽ xem xét vấn đề này ngay khi quốc hội triệu tập.
Thông điệp là quốc hội Hungary khi đó sẽ ủng hộ việc phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Hungary khi quốc hội triệu tập lại vào cuối tháng 2”, Tổng thư ký Stoltenberg nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã đề nghị gặp người đồng cấp Hungary Viktor Orban tại Bỉ vào tuần tới, bên lề cuộc gặp của Hội đồng Châu Âu, để thảo luận thêm về vấn đề này.
Thủ tướng Thụy Điển cho biết, nước này sẽ không đưa ra bất kỳ lời hứa mới nào với NATO, bao gồm cả với Hungary. Dù vậy, ông cũng cho biết, Thụy Điển và Hungary có nhiều điều cần thảo luận, bao gồm sự hợp tác trong NATO, chức chủ tịch EU sắp tới của Hungary, sự hỗ trợ cho Ukraine và làm thế nào để có được sự phối hợp rộng rãi nhất từ lực lượng không quân của Thụy Điển.
Theo chuyên gia chính trị Zoltan Pogatsa, việc Hungary “chậm trễ” phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển đang thể hiện tầm quan trọng của một lá phiếu từ một thành viên – từng nhiều lần hứng chỉ trích của phương Tây về các vấn đề dân chủ, pháp quyền hay tham nhũng.
Trên thực tế, chính quyền Hungary cũng nhiều lần tỏ rõ không hài lòng về những tuyên bố “không đáng có” từ phía Thụy Điển, cho rằng làm xói mòn nền dân chủ của Hungary.
Thêm vào đó, Hungary có quan điểm rằng cuộc xung đột tại Ukraine cũng không gây ra bất kỳ mối đe dọa an ninh nào với Thụy Điển – một trong những lý do mà nước này đưa ra để gia nhập NATO.
Dẫu vậy, Thủ tướng Hungary mới đây cũng đã mời người đồng cấp Thụy Điển tới thăm nước này, bày tỏ thiện ý về việc ủng hộ Thụy Điển vào NATO “trong tương lai gần”.
Bình luận