Ngày 27/11, với 430 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 89,77%), Quốc hội biểu quyết thông qua “Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035”.
Theo đó, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển là 50.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 27.000 tỷ đồng.
Vốn ngân sách địa phương là 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); nguồn vốn khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Quốc hội yêu cầu vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho Chương trình phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc đầu tư cần được phân cấp nhằm tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương.
Một trong những cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình là thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết về kinh phí, có ý kiến băn khoăn khi tỷ lệ nguồn vốn khác chiếm 12,4% còn cao, thiếu tính khả thi đối với các địa phương còn khó khăn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích nguồn vốn khác huy động thực hiện Chương trình bao gồm nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án; vốn huy động thông qua chính sách thu hút đầu tư; nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (tiền, hiện vật, ngày công lao động)…
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, tỷ lệ 12,4% là tỷ lệ trung bình trong cả nước. Với những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là địa phương phát triển công nghiệp văn hóa, tỉ lệ sẽ đạt cao hơn.
Còn với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có thể huy động sự đóng góp của người dân bằng ngày công, hiện vật.
"Khi Chương trình thực hiện hiệu quả, hoạt động của Chương trình sẽ mang lại lợi ích cho chính cộng đồng, thu hút sự đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.
Bình luận